Khẩn trương khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, tiếp tục phòng, chống mưa lớn

.

ĐNO - UBND thành phố vừa ban hành công điện thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng tại Công văn số 4742-CV/TU ngày 16-10, về chủ động công tác phòng, chống mưa bão, trong đó chỉ đạo khẩn trương xây dựng kịch bản, phương án xử lý tình huống khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, mưa lũ gây ra trong thời gian ngắn nhất (1 ngày) để chủ động công tác tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các đơn vị chức năng tranh thủ thu dọn rác bãi biển vào ban đêm nhanh chóng khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới. Trong ảnh: Dùng phương tiện cơ giới thu dọn rác tấp vào bãi biển Mỹ Khê vào tối 16-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị chức năng tranh thủ thu dọn rác bãi biển vào ban đêm nhanh chóng khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới. Trong ảnh: Dùng phương tiện cơ giới thu dọn rác tấp vào bãi biển Mỹ Khê vào tối 16-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 3-4-2020 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2020 (và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố).

Giao Sở Xây dựng chỉ đạo tăng cường công tác ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị (như khu vực đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, hạ lưu Khe Cạn, đường Hà Huy Tập, cống Mê Linh, đoạn cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương,...).

Đối với các trạm bơm chống ngập (Thuận Phước, Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực K20, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý), khẩn trương kiểm tra nguồn điện bảo đảm hoạt động ổn định và có phương án thuê máy phát điện dự phòng để ứng phó sự cố mất điện; kiểm tra hoạt động của lưới chắn rác trạm bơm, bố trí nhân lực túc trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời sự cố tại trạm bơm. Bố trí nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng.

Đối với các vị trí, khu vực ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công, các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án bố trí cán bộ thường xuyên trực tại công trình, triển khai thực hiện ngay phương án xử lý bảo đảm thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.

Liên quan đến các hồ điều hòa, khẩn trương hạ mực nước trong các hồ điều hòa đến mức nhất có thể (như hồ Công viên 29-3, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ Ba Sen Vàng,...).

Phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, cùng với đơn vị thoát nước thực hiện vớt rác, khơi thông cửa thu nước trước nhà, kênh mương, cống thoát nước,...

Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó bão đối với cây xanh công cộng được giao quản lý. Khẩn trương rà soát, phát hiện, nhận diện sớm các cây xanh nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn (đặc biệt là các loài cây như: muồng tím, xà cừ, phượng vỹ, cây kích thước lớn,…) có ảnh hưởng đến lưới điện, gây mất an toàn giao thông... để tập trung nguồn lực xử lý trước. Phân công nhân viên tăng cường kiểm tra hiện trường, bố trí kênh tiếp nhận, tổng hợp thông tin và chỉ đạo xử lý hợp lý đối với cây xanh bị thiệt hại. Dọn dẹp cành nhánh, thu gom và vận chuyển ra khỏi hiện trường để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Đối với hệ thống điện chiếu sáng, khẩn trương gia cố, xử lý đảm bảo an toàn kết cấu lưới điện (móng, trụ, cần, đèn, dây dẫn), đặc biệt an toàn điện; xử lý các tủ điện khu vực ngập úng. Tháo dỡ các cấu kiện khác gắn trên trụ phát sinh tải trọng phụ nguy hiểm cho trụ điện. Yêu cầu chủ đầu tư các khung vòm trang trí chiếu sáng ngang đường khẩn trương gia cố bảo đảm an toàn công trình, an toàn điện; phân công trực và phối hợp xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn hệ thống điện và tài sản trong thời gian diễn ra áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

Đối với hệ thống cấp nước sạch, khẩn trương kiểm tra hệ thống điện tại các nhà máy nước, trạm bơm cấp nước, khẩn trương khắc phục trong trường hợp mất an toàn. Thường xuyên tuần tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến đường ống cấp nước, đặc biệt tại các vị trí ống truyền tải và khắc phục ngay sau khi xuất hiện sự cố.

Về công tác dọn dẹp sau áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, làm việc cụ thể với các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, máy móc thiết bị để dọn dẹp đường phố ngay sau khi kết thúc áp thấp nhiệt đới, mưa lớn. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi chấm dứt áp thấp nhiệt đới. Sở Du lịch chỉ đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi bển du lịch Đà Nẵng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện dọn dẹp vệ sinh, rác thải ven biển ngay sau áp thấp nhiệt đới và mưa lớn..

Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là các khu vực có nước chảy xiết. Tổ chức tuần tra, chủ động chuẩn bị lực lượng, có phương án sẵn sàng thu dọn rác ngay sau khi mưa gió kết thúc, ưu tiên thu gọn rác, bèo tấp vào khu vực ven biển, dọc hai bên sông Hàn... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống ngập úng; cắt tỉa, chống dựng cây xanh trước nhà và tham gia dọn dẹp hiện trường khi có sự cố nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cảnh quan môi trường

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện thu gom, vận chuyển để triển khai thu dọn vệ sinh ngay sau khi mưa gió kết thúc nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường tại địa bàn các quận, huyện, không để phát sinh dịch bệnh do rác thải tập kết gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị...

Lũ trên các sông dao động ở mức cao

Rạng sáng 17-10, lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa lên mức 8,47m, trên mức báo động (BĐ) 2 là 0,47m; trên sông Yên là 5,5m. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đến trưa và chiều nay (17-10), lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa dao động ở mức 8m, ở mức BĐ2. Đối với các sông khác, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 8,7m, dưới BĐ2 là 0,3m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 11,5m, ở mức BĐ2; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 5,2m, trên BĐ2 là 0,2m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 2,6m, dưới BĐ3 là 0,1m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức 6,5m, trên BĐ3 là 0,5m; sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0m, dưới BĐ3 là 0,5m; sông Hương tại Kim Long lên mức 3m, dưới BĐ3 là 0,5m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu dao động mức 2m, ở mức BĐ1; sông Bưởi và các sông ở Quảng Ngãi nước xuống chậm.

Từ nay đến ngày 21-10, ở Trung Bộ có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ nay đến ngày 21-10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến từ 400-700mm, có nơi trên 800mm; ở Bắc Nghệ An, Thừa Thiên Huế phổ biến 400-500mm, có nơi trên 500mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 250-350mm, có nơi trên 400mm; Từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Sau ngày 21-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi; nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam; nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.