KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20-10-1930 – 20-10-2020)

Phụ nữ Đà Nẵng qua những chặng đường lịch sử

.

Trong suốt chiều dài đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Đà Nẵng đã kế thừa phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của quê hương “trung dũng, kiên cường”, luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương (thứ 6, từ phải sang) trao thưởng cho các điển hình phụ nữ tiên tiến trên các lĩnh vực giai đoạn 2015-2020.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương (thứ 6, từ phải sang) trao thưởng cho các điển hình phụ nữ tiên tiến trên các lĩnh vực giai đoạn 2015-2020.

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng, cùng với sự ra đời của các tổ chức quần chúng: Công vận, Nông vận, Thanh vận, ngày 20-10-1930, tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được thành lập với tên gọi Phụ nữ Liên hiệp hội, nhằm mục đích “Liên hiệp quần chúng phụ nữ với các lực lượng công nhân và nông dân để chống lại sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, giành quyền lợi và giải phóng cho phụ nữ”.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hội LHPN Việt Nam không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ buổi đầu thành lập, các tổ chức tiền thân của Hội LHPN thành phố như “Đà thành nữ công học hội”, “Phụ nữ giải phóng”, “Phụ nữ cứu quốc” đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến Mùa thu lịch sử 1945, phụ nữ Đà Nẵng cùng toàn dân đồng loạt vùng lên cướp chính quyền, giành lại giang sơn Tổ quốc.

Năm 1946, tổ chức Hội Phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức được thành lập. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng kiên cường đấu tranh, hăng hái ủng hộ cách mạng, lập bao chiến công, kỳ tích từ mặt trận cho đến các vùng địch hậu. Hàng ngàn phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bước vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, vững vàng vượt qua thử thách, gian nguy để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Có thể nói, không có trận đánh nào không có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của phụ nữ. Sự đóng góp của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Hòa bình lập lại, song cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cùng những nỗi đau chiến tranh chưa dễ nguôi ngoai, tuy nhiên với khí phách anh hùng, chịu thương chịu khó, các tầng lớp phụ nữ hăng hái tham gia cùng nhân dân thành phố hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở thời kỳ đầu xây dựng đầy cam go thử thách, với phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1978-1988), Hội Phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng đã động viên chị em thi đua học tập, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm lo công tác hậu phương quân đội, tạo nên khí thế thi đua mới với nội dung, hình thức hoạt động phong phú, thiết thực, đáp ứng nguyên vọng và quyền lợi chính đáng của phụ nữ.

Nhiều phong trào thi đua như “Đỡ đầu con liệt sĩ”, “Nhận chăm sóc bố mẹ liệt sĩ neo đơn”, phong trào “Áo ấm cho chiến sĩ biên giới, hải đảo”, “Con gà tiền tuyến”, “Nàng dâu hiếu thảo”, xóa mù chữ cho phụ nữ... đã thu hút chị em tích cực tham gia, đem lại kết quả thiết thực, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong các tầng lớp nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ năm 2003 - khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, phong trào phụ nữ thành phố có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới. Phụ nữ Đà Nẵng tiếp tục vươn lên với những nỗ lực mới, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà, sự phát triển của thành phố quê hương.

Các cấp Hội đã tích cực vận động chị em hội viên phụ nữ thực hiện tốt các chương trình và nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội và phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

Hội viên phụ nữ đã ra sức vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu đổi mới và phát triển của thành phố như: Tham gia đóng góp xây dựng Trung tâm chẩn đoán và chữa bệnh cho phụ nữ nghèo thành phố, nay là Bệnh viên Phụ nữ, tôn tạo Khu tưởng niệm nhà yêu nước Thái Thị Bôi, thực hiện tốt các công trình thi đua “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo”, phát huy tiềm năng của phụ nữ, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh…

Tổ chức Hội không ngừng củng cố, mở rộng tính liên hiệp và ngày càng phát triển. Hoạt động Hội ngày càng đổi mới về nội dung và hình thức, không chỉ thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ mà nam giới cùng tham gia.

Một trong những hoạt động nổi bật, mang đậm nét riêng của phụ nữ Đà Nẵng trong những năm qua là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Thông qua phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh”; chương trình “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”... đã góp phần bồi dưỡng nhận thức cho phụ nữ về truyền thống cách mạng, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giúp cho chị em tự nâng cao trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật, kiến thức về xã hội, về ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, về tổ chức cuộc sống và nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội...

Bên cạnh đó, Hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững với nhiều mô hình mới, cách làm hay, huy động hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, qua đó khơi dậy tiềm năng, truyền thống lao động sáng tạo của chị em; tập trung triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham mưu đề xuất các chính sách có liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phòng ngừa bạo lực;… góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Khi Covid-19 bùng phát, với phương châm “huy động tại chỗ, giúp đỡ tại chỗ”, các cấp Hội Phụ nữ thành phố đã phát huy tinh thần tương thân tương trợ, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và người dân thành phố vượt qua khó khăn, chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Có thể nói, dù trong hoàn cảnh nào, các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ cũng đều có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới, phát huy tốt nhất khả năng, sự đóng góp của mình vào sự phát triển của thành phố, khẳng định vai trò và vị trí của nữ giới trong gia đình và xã hội.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Hội LHPN Việt Nam 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Đà Nẵng đoàn kết một lòng, đem hết khả năng, trí tuệ, cộng đồng trách nhiệm, gương mẫu trong công tác và lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng của phụ nữ.

HOÀNG THỊ THU HƯƠNG
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích