Trao đổi với Báo Đà Nẵng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2020), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thanh Quang (ảnh) khẳng định: Trong những năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đưa thành phố phát triển đi lên, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống. Trong thành quả ấy có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
*Công tác dân vận có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong xây dựng và phát triển thành phố, thưa ông?
- Chúng ta đều biết, dân vận có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng và trở thành truyền thống quý báu của Đảng ta. Bởi mục tiêu của công tác dân vận là xác lập, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng.
Bác Hồ đã nói “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, thời gian qua, Thành ủy và cấp ủy các cấp đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ những chủ trương của Đảng, nhấn mạnh vai trò của nhân dân và công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện công tác dân vận trên địa bàn thành phố.
*Công tác dân vận trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
- Những năm qua, công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị được tăng cường, đổi mới, gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, đã nêu cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu; quan tâm phát huy quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân.
Điển hình, công tác tiếp xúc, đối thoại với đại diện các tầng lớp nhân dân, doanh nhân, các nhà đầu tư được tổ chức thường xuyên, hiệu quả hơn. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm chỉ đạo cụ thể và sâu sát.
Đặc biệt, đối với những dự án trọng điểm, lãnh đạo thành phố cùng với lãnh đạo các quận, huyện đã trực tiếp đối thoại với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và giải thích, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Điều này đã tạo được đồng thuận cao từ nhân dân trong thực hiện các chủ trương của thành phố, hạn chế thấp nhất các vụ việc khiếu nại, thể hiện đúng theo tinh thần: “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”.
Bên cạnh đó, thành phố đã kiện toàn nhiều kênh tiếp nhận thông tin đóng góp, phản ánh từ tổ chức, công dân, như: đường dây nóng của HĐND thành phố, chuyên mục Hỏi - Đáp trên Cổng thông tin điện tử thành phố, các hòm thư góp ý, sổ góp ý… để kịp thời nắm bắt và xử lý những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
* Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố đã có những đổi mới như thế nào trong thực hiện công tác dân vận?
- Để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Theo đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở, phát huy dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Mặt trận và các tổ chức thành viên có nhiều sáng tạo trong công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, như: ký kết các nghị quyết liên tịch giữa Mặt trận với các đoàn thể; giữa Mặt trận, các đoàn thể với các ban, ngành của Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang. Qua đó đã tạo sức mạnh liên kết, hỗ trợ nhau trong công tác dân vận.
Mặt trận và các đoàn thể thành phố có nhiều phong trào an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, khắc phục ô nhiễm môi trường, chăm lo đời sống nhân dân,… được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Công tác giám sát được Mặt trận các cấp thường xuyên quan tâm, tập trung vào những lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc; kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập, được nhân dân đồng thuận cao.
* Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng hình ảnh thành phố khang trang, văn minh, sạch đẹp. Ông có thể nói rõ hơn về phong trào này?
- Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trong mọi địa phương, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai ngày càng hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân.
Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân là một trong những điểm sáng về công tác dân vận chính quyền của thành phố. Ảnh: S.TRUNG |
Cụ thể, qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, vận động xây dựng khu dân cư tự quản, xây dựng “cơ quan văn hóa”, “văn hóa doanh nghiệp”’ các câu lạc bộ “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải từ hộ gia đình”, ngày “Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, đoạn đường an toàn - văn minh - sạch đẹp; vận động nhân dân không lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, tổ chức ra quân dọn dẹp những khu vực ô nhiễm, giữ gìn vệ sinh môi trường,… góp phần xây dựng thành phố ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp.
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, lực lượng vũ trang thành phố thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch; từng bước giảm thiểu hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tạo ra sự ổn định về chính trị, đồng thuận trong nhân dân và tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng, nhà nước với nhân dân.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang thành phố còn phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân thoát nghèo, giúp các xã tại huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới,…
* Từ những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời gian đến là gì?
- Để công tác dân vận đạt chất lượng và hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến, thứ nhất, các cấp chính quyền cần phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương, gắn với việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Thứ hai, cần phát huy vai trò của Mặt trận, các hội, đoàn thể trong việc tổ chức, tập hợp, vận động nhân dân; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa công tác tập hợp quần chúng nhân dân bằng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cụ thể, thiết thực.
Thứ ba, công tác dân vận phải luôn gắn bó mật thiết với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, biết làm công tác dân vận. Cấp ủy từ thành phố đến cơ sở phải lấy hiệu quả công tác dân vận làm tiêu chuẩn bình xét đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng hằng năm; đồng thời, cần phát huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để phát huy sức mạnh của nhân dân.
Cuối cùng, cần xác định công tác dân vận và chăm lo lợi ích của nhân dân là một trong những nội dung chủ yếu trong hoạt động của từng tổ chức, cá nhân, là “mệnh lệnh” tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. Dân vận phải hướng vào yên dân, an dân, chăm lo dân sinh, thực hiện an sinh xã hội, nhất là với các đối tượng yếu thế, khó khăn, thiệt thòi, dễ bị tổn thương.
Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận phải thể hiện bằng việc làm và hành động thực tế để bảo vệ dân, chăm lo, cải thiện đời sống cho nhân dân; đồng thời có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển, phát huy được sức dân. Có như vậy, mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với nhân dân ngày càng được củng cố bền chặt, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng và phát triển thành phố ngày càng vững mạnh.
LAM PHƯƠNG thực hiện