THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG HẬU COVID-19

Lương tính theo ngày, giờ...

.

Sau Covid-19, người sử dụng lao động rất muốn đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, người lao động mất việc rất cần việc làm... Những thực tế này đã góp phần hình thành nên thị trường lao động khá lạ: Trả lương theo... ngày, giờ, bỏ qua các ràng buộc theo hợp đồng lao động thông thường lâu nay.

Trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng đối với người lao động là có việc làm mỗi ngày.  TRONG ẢNH: Công nhân thời vụ đang thi công vỉa hè trên tuyến đường Lý Tự Trọng.  Ảnh: THANH VÂN
Trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng đối với người lao động là có việc làm mỗi ngày. TRONG ẢNH: Công nhân thời vụ đang thi công vỉa hè trên tuyến đường Lý Tự Trọng. Ảnh: THANH VÂN

Cần cù, chịu khó và có trách nhiệm với công việc, từ vài năm nay, chị Lê Thị Tám (quê Quảng Bình) được chủ quán nhậu H.Đ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành giao thêm “chức vụ” quản lý nhóm 4 người phục vụ tại quán. Nhờ vậy, ngoài số tiền lương 5 triệu đồng/tháng, chị có thêm 1 triệu đồng tiền trách nhiệm quản lý, vì vậy, cuộc sống tạm ổn. Tuy nhiên, mấy tháng nay chị thất nghiệp, tiền dành dụm lâu nay cũng cạn dần, rất may, lúc đó chủ quán cũ gọi lại đi làm nhưng trả lương theo ngày với mức 100.000 đồng/ngày. Chị tâm sự: “Trong tình cảnh này, với tôi có việc làm lại là quý rồi, chủ quán cũng gặp nhiều khó khăn nên tôi chấp nhận hình thức trả lương như vậy”.

Còn anh Phạm Văn Tánh (ở tổ 39, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã có 5 năm làm nghề tiện cho một xưởng cơ khí ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu có việc làm vào ngày cuối tuần, ngày lễ sẽ được trả 500.000 đồng/ngày, cuộc sống vì vậy, khá ổn. Tuy nhiên, do Covid-19, anh cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Mới đây, anh được một cơ sở cơ khí nhận vào làm với cách trả lương 200.000 đồng/ngày. Biết hình thức trả lương này khá bấp bênh nhưng anh Tánh vẫn vui vẻ khi có việc làm.

Lý giải cách trả công theo ngày, ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ giặt tẩy Thành Công (trụ sở ở quận Liên Chiểu) cho biết: “Thời điểm ổn định, công ty có khoảng 15 người làm việc, với mức lương cao nhất 12 triệu đồng, người mới vào làm 6 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mấy tháng qua công ty phải đóng cửa, mới hoạt động lại từ giữa tháng 9. Do lượng khách còn quá ít nên tôi chỉ gọi trở lại một vài nhân viên và trả tiền công theo ngày. Công ty chưa đủ khả năng trả tiền lương như trước, tất cả nhân viên đều đồng tình như một cách để chia sẻ, cùng công ty vượt qua khó khăn”.

Đánh giá về hình thức trả lương cho người lao động theo ngày hoặc giờ này, một nhân viên của Trung tâm Giới thiệu việc làm T&K ở quận Cẩm Lệ cho rằng: “Bình thường, trong khi giới thiệu việc làm cho khách hàng, chúng tôi luôn cố gắng yêu cầu người sử dụng lao động phải ký hợp đồng với người lao động nhằm bảo đảm sự ràng buộc về trách nhiệm giữa đôi bên. Thế nhưng, với tình hình hiện nay, ưu tiên trước mắt vẫn chính là có việc làm, còn hình thức trả tiền không còn quan trọng nữa”.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố, dưới tác động của Covid-19, Đà Nẵng có hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng về công việc và thu nhập. Trong số này có trên 56.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng trên 30.000 người lao động tự do mất việc hoặc bị ảnh hưởng, trong số này có gần 15.000 lao động là người dân thành phố, còn lại là người lao động từ các địa phương khác.

Theo một chuyên viên quản lý lao động ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, không riêng Đà Nẵng, trên cả nước, tình hình thị trường lao động có biến động lớn. Điều này làm xuất hiện nhiều hình thức hợp đồng lao động theo kiểu “phi truyền thống” như khoán công, trả lương theo giờ, theo ngày... Một khi thị trường lao động trở lại bình thường thì các hình thức trên sẽ giảm dần vì bản thân người sử dụng lao động và người lao động đều muốn ký hợp đồng có thời hạn nhất định để ổn định sản xuất, kinh doanh.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.