Triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại

.

Do ảnh hưởng của bão số 6 và gió mùa đông bắc kết hợp với mưa rất to trên địa bàn thành phố và các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia đổ về trong những ngày qua làm 10/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập nước. Đặc biệt, dự báo trong ngày 12-10, lũ trên các sông có khả năng lên lại, gây ra lụt trên diện rộng. Do vậy, công tác chỉ đạo ứng phó được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

Người dân thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang dùng ghe đi mua nhu yếu phẩm. 						Ảnh: XUÂN SƠN
Người dân thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang dùng ghe đi mua nhu yếu phẩm. Ảnh: XUÂN SƠN

Khẩn trương ứng cứu người bị nạn

Khoảng 15 giờ 30 ngày 9-10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II nhận được thông tin từ tàu cá ĐNa 07070 TS của Đà Nẵng trên hành trình vào nơi trú ẩn thì bị mất liên lạc từ 13 giờ cùng ngày tại khu vực Mũi Nghê (Sơn Trà).

Trên tàu cá mất liên lạc có 2 ngư dân là Nguyễn Văn Lý (56 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) và Lê Văn Trưng (37 tuổi, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Qua tình hình nhiều tàu cá bị nạn trên biển cần được cứu hộ khẩn cấp, tối ngày 9-10, Phó Bí thư

Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng đã đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xác định vị trí ngư dân bị nạn để tổ chức ứng cứu trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các đơn vị liên quan, phối hợp kiểm đếm tàu thuyền, không để tàu thuyền tiếp tục di chuyển ra biển và yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động vào trú ẩn ở nơi an toàn. Qua nhiều giờ tìm kiếm, đến 20 giờ 55 tối ngày 9-10, các nhân viên cứu nạn hàng hải báo về là tìm thấy 2 thuyền viên và triển khai phương án ứng cứu.

Trong ngày 9-10, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Công văn số 4727-CV/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng ghi nhận và đánh giá cao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với thời tiết cực đoan theo tinh thần Công điện số 20/CĐ-TW ngày 6-10-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Công điện số 1372/CĐTTg ngày 8-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Dự báo trong thời gian đến, tình hình mưa lũ tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, do đó, Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án, biện pháp phòng, chống mưa lũ theo các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Sẵn sàng các phương án

Trong ngày 10-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung ứng phó với áp tháp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống và tập trung triển khai sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn, bảo đảm thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng, chống Covid-19. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống... và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, chủ động thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra.

Ngày 11-10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các công điện của Chủ tịch UBND thành phố. Các sở, ngành và các địa phương triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để bảo đảm thoát nước, vệ sinh môi trường; khắc phục các cây xanh bị ngã đổ, sẵn sàng triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ...

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II chủ trì phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn tàu và thuyền viên trên tàu ĐNa 90988 TS và tàu Đông Bắc 2203... 10/11 xã ở Hòa Vang bị ngập lụt, nhiều khu vực trung tâm bị ngập úng cục bộ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang, tính đến 15 giờ ngày 11-10, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại huyện Hòa Vang có 67 thôn của 10/11 xã bị ngập với 4.597 hộ. Khu vực bị ngập nhiều nhất là các thôn của xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến bị ngập sâu. Mưa lũ làm 4 người mất tích, trong đó 1 người tại Hòa Khương (Hòa Vang), 1 người thường trú Quảng Nam (tạm trú tại Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu), 2 người trên tàu cá ĐNa 90988-TS bị mất tích trên biển.

Lối vào thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn được giăng dây để ngăn phương tiện qua lại.Ảnh: XUÂN SƠN
Lối vào thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn được giăng dây để ngăn phương tiện qua lại. Ảnh: XUÂN SƠN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, do mưa lớn nên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số địa điểm ở các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Cẩm Lệ. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nước nặng và sạt lở. Các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, trong đó có lắp đặt, vận hành các trạm bơm chống ngập tại một số khu vực dân cư. Các quận, huyện đã tổ chức sơ tán 754 hộ (2.567 người) đến nơi trú ẩn an toàn.

Có 3 tàu cá (ĐNa 91066 TS, ĐNa 30873 TS, ĐNa 07070 TS của quận Sơn Trà) bị nạn trên biển vào chiều 9-10 và các lực lượng chức năng đã cứu nạn được 6 ngư dân. Hiện còn 1 tàu cá mất tích (tàu cá ĐNa 90988 TS của quận Sơn Trà) cùng 2 ngư dân. Mưa lũ làm chìm 1 canô du lịch tại sông Cu Đê và có tàu chở dầu Đông Bắc 2203 đang bị mắc cạn tại vùng biển Nam Ô.

Mưa lũ cũng đã cuốn trôi một số gia súc, gia cầm và làm gần 80ha rau, màu bị ngập úng và nhiều chậu hoa bị dập nát, ảnh hưởng; thiệt hại 24,73ha nuôi trồng thủy sản, 2 lồng bè tại khu vực Mân Quang bị trôi do đứt neo; 84 cây xanh bị ngã đổ; 11 trường của huyện Hòa Vang bị ngập nước; sập 12m tường rào của Trường THPT Hòa Vang; thấm dột một số phòng của Trường THPT Nguyễn Trãi...

 HOÀNG HIỆP

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Chiều 11-10, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 770km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8. Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5, từ kinh tuyến 115 đến 120. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 13-10, ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam là từ 400-600mm, có nơi trên 600mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 300-500mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 200-400mm. Cảnh báo trong ngày 12-10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ lên lại, các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ lên.

HOÀNG HIỆP

Học sinh Đà Nẵng nghỉ học

Trưa 11-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng có công văn gửi Phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học do mưa lớn ảnh hưởng của bão số 6. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 6, tại Đà Nẵng từ ngày 11-10 tình hình mưa lớn còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 12-10 (hôm nay) cho đến khi có thông báo mới. (M.T)

Tạm dừng khai thác sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục vừa quyết định tạm dừng khai thác 3 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài do ảnh hưởng của bão số 6. Theo đó, tạm dừng khai thác một số sân bay để bảo đảm an toàn hoạt động bay và giảm thiểu thiệt hại do bão. Cụ thể, tạm dừng khai thác Cảng Hàng không Chu Lai từ 7 giờ 22 đến 15 giờ ngày 11-10; tạm dừng khai thác Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng từ 9 giờ 15 đến 15 giờ ngày 11-10; tạm dừng khai thác Cảng Hàng không Phú Bài từ 12 giờ đến 23 giờ 59 ngày 11-10.

Ngày 11-10, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Datramac) thành phố Đà Nẵng cho biết từ 11 giờ trưa ngày 11-10, hệ thống xe buýt thành phố Đà Nẵng tạm thời ngừng hoạt động do ảnh hưởng của mưa bão cho đến có thông báo mới. Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời điểm mưa, bão. (THÀNH LÂN)

Tàu du lịch trên sông Hàn bố trí trực 24/24 giờ

Ngày 11-10, Cảng vụ đường thủy nội địa cho biết phương án neo đậu tại chỗ (cảng Sông Hàn) trong công tác phòng, chống mưa bão hiện nay là tất cả các tàu du lịch hiện đang có mặt trên khu vực sông Hàn bố trí trực 24/24 giờ, và mỗi tàu bố trí ít nhất 1 thuyền trưởng, 2 thuyền viên trên tàu để kịp thời ứng phó khi thời tiết xấu. Bên cạnh đó, các chủ tàu chịu trách nhiệm về phương án neo đậu tại chỗ, bổ sung dây chằng buộc, thiết bị cứu hộ, cứu đắm, nhiên liệu để sẵn sàng hoạt động khi cần. (PHƯƠNG UYÊN)

 

;
;
.
.
.
.
.