Xử lý vi phạm phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

.

Ngày 26-10, Quốc hội tiếp tục phiên họp để nghe và thảo luận trực tuyến về báo cáo công tác và báo cáo thẩm tra của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: T. HUY
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: T. HUY

Phát biểu thảo luận trực tuyến, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề cập nội dung báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu: lợi dụng dịch bệnh Covid-19… cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Kết quả điều tra vụ án xảy ra tại CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) Hà Nội cho thấy, các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp rất nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất. Cơ quan chức năng hoàn tất giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng vụ án.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi: “Có một điều rất đáng quan tâm và cần được điều tra là có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập và phân phối thiết bị y tế đã liên kết hình thành mặt bằng giá thiết bị y tế đã đẩy các CDC của các địa phương vào tình thế buộc phải mua với giá rất cao.  Vậy, những doanh nghiệp đó là ai, có phải sân sau của một số người hay không và tại sao Nhà nước không đưa thiết bị y tế vào diện kiểm soát, nắm giữ và điều tiết”.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, thực tiễn cho thấy tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự chưa được các cơ quan tư pháp đề cao triệt để. Việc vi phạm trong hoạt động tố tụng mới chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm của các cá nhân trong hoạt động tư pháp. Nhưng điều quan trọng hơn cả, quyết định hơn cả, tác động lớn đến xã hội hơn cả vẫn là những vi phạm trong hoạt động tố tụng cần phải được xem xét, khôi phục lại trật tự đúng của pháp luật thì chưa được coi trọng, chưa đặt đúng vị trí của vấn đề. Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp mà ở đó trước hết, tính tuân thủ trong hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước ta thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năm 2020, Ban Chỉ đạo 138 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, chống tội phạm, thi hành án, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng ta xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản dưới luật về vấn đề này, đẩy mạnh các mặt phòng ngừa và tiến hành công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm. Những vấn đề các đại biểu nêu ra là đều có. Tội phạm lĩnh vực này có dấu hiệu của lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, của sự cấu kết… Chúng ta cũng triệt để điều tra, truy tố, xét xử như thực tế đã diễn ra, vi phạm tới đâu xử lý tới đó, nhưng cũng đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mục tiêu chính là để răn đe tội phạm và xây dựng cơ chế phòng ngừa; thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn bày tỏ tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về CQĐT tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không quy định thí điểm mô hình CQĐT như đang triển khai tại Thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, sau khi Nghị quyết này được ban hành, việc hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện phải kịp thời, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương, chú trọng bố trí nhân lực, đội ngũ cán bộ cho cấp cơ sở bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, tránh tình trạng cắt giảm biên chế theo “dàn hàng ngang với các địa phương” mà không căn cứ vào thực tế, dẫn đến vô hiệu quả, hiệu lực của cấp hành chính cơ sở.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung được nêu trong các báo cáo và cho rằng, báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng.

Trong năm 2020, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp, có tác động, ảnh hưởng hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế  - xã hội, nhưng Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những kết quả được. Đối với một số hạn chế, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục có những giải pháp xử lý.

T. HUY - TTXVN

;
;
.
.
.
.
.