Được tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc là vinh dự lớn

.

Gần 40 năm gắn bó với nghề, đến nay ông Lê Văn Khăng (tổ 30, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) có 2 tàu đánh bắt thủy sản với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng. Nhờ vậy, không chỉ có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho gần chục lao động, ông Khăng còn là ngư dân đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Với ngư dân Lê Văn Khăng, điều động viên và cũng là niềm vinh dự lớn nhất chính là được đóng góp vào việc gìn giữ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: T.V
Với ngư dân Lê Văn Khăng, điều động viên và cũng là niềm vinh dự lớn nhất chính là được đóng góp vào việc gìn giữ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: T.V

Trong những lần theo cha đi biển, chính cha đã dạy ông những kỹ năng đánh bắt thủy sản, cách nhìn trời để tránh giông bão cũng như ý thức được trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo. Ông Khăng tâm sự: “Với sự dìu dắt của cha cùng kinh nghiệm đúc kết từ thực tế, hầu như chuyến biển nào của tôi cũng đều trở về với khoang đầy ắp tôm cá. Nhờ vậy, tôi và các bạn thuyền có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cải thiện dần”. Tròn 13 năm trước, sau một thời gian dài đi bạn tích góp, ông đã tự sắm cho mình chiếc tàu đánh cá công suất trên 1.000 CV, giá trị gần 3 tỷ đồng. Trở thành ông chủ của tàu cá công suất lớn, ông Khăng tích góp tiền để trang bị đầy đủ ngư cụ, hệ thống đông lạnh trên tàu... Nhờ vậy, tàu của ông là một trong số ít tàu cá của quận Sơn Trà đủ sức vươn khơi bám biển liên tục cả tháng.

Làm ăn thuận lợi, tiếp tục tích góp, năm 2018, ông đóng thêm một chiếc tàu lớn thứ hai để đánh bắt xa bờ, trị giá trên 4 tỷ đồng. Ông vui vẻ khoe: “3 năm qua, cặp tàu đánh bắt cá xa bờ của tôi đã tạo ra việc làm ổn định cho 14 ngư dân. Vào những mùa biển êm, việc đánh bắt thủy sản thuận lợi thì trung bình thu nhập của người lao động đạt mức từ 13-15 triệu đồng/tháng, mùa biển động, thời gian đi biển ít thì thu nhập cũng đạt từ 5-6 triệu đồng/tháng. Công việc làm ăn thuận lợi, người lao động gắn bó lâu dài nên tất cả người ngư dân làm việc cùng ông đều có đời sống ổn định. Tuy nhiên, điều khiến ông Khăng vui nhất là tất cả bạn thuyền của mình đều đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau, đặc biệt rất tích cực, dũng cảm trong việc chống lại tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Ngư dân Lê Văn Khăng vẫn nhớ một ngày đầu tháng 5-2010, biển khá lặng, cả nhóm tàu 7 chiếc của thành phố Đà Nẵng đang đánh bắt cá ở vùng biển đảo Hoàng Sa thì bỗng xuất hiện cùng lúc gần chục chiếc tàu hải giám của nước ngoài xộc thẳng vào đội tàu cá Việt Nam truy đuổi quyết liệt. Không chút sợ sệt, ông Khăng bình tĩnh, động viên các tàu khác kéo lưới lên rồi khôn khéo tránh những cú đâm ác ý của tàu nước ngoài. Sau gần 4-5 tiếng đồng hồ không thể đuổi được nhóm tàu Đà Nẵng, nhóm tàu kia đành bất lực bỏ đi. Cũng từ đó, các tàu đánh cá thuộc quận Sơn Trà “phong” ông Khăng chức tổ trưởng. Ông cười hiền giải thích: “Anh em tín nhiệm thì mình nhận để mọi người yên tâm ra khơi đánh bắt cá.

Hằng ngày, bất kể thời tiết thế nào, đúng 15 giờ chiều, tôi sẽ bật bộ đàm báo cáo chi tiết tình hình vùng lãnh hải chúng tôi đang đánh bắt thủy sản về cho Vùng 3 Hải quân, Đồn Biên phòng Sơn Trà (Đồn 252). Khi có những vấn đề bất thường, tôi cũng báo cáo nóng để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý”.
Suốt những năm đánh bắt thủy sản, với nhiệm vụ kép cập nhật báo cáo tình hình lãnh hải hằng ngày cho các cơ quan chức năng cũng như trực tiếp cùng các tàu đánh bắt thủy sản khác bám biển, linh hoạt vượt qua thách thức từ phía tàu nước ngoài, bảo vệ trọn vẹn lãnh hải Tổ quốc, đến nay ngư dân Lê Văn Khăng được ghi nhận, biểu dương bằng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND thành phố, Vùng 3 Hải quân, UBND quận Sơn Trà... Tuy nhiên, theo ông Khăng, điều động viên và cũng là niềm vinh dự lớn nhất của những ngư dân như ông chính là đóng góp được một phần nhỏ bé vào việc giữ giữ trọn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.