Hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

.

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách đặc thù, hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma tuý từ 5 năm, 10 năm trở lên không tái nghiện. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), thành phố đã hỗ trợ cho 281 người, trong đó có 148 người được hỗ trợ 2 triệu đồng/người và 133 người được hỗ trợ 10 triệu đồng/người.

Không chỉ vậy, trong thời gian quản lý sau cai, các ngành, địa phương đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên người sau cai nghiện, giúp đỡ kịp thời các trường hợp khó khăn, giới thiệu tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế và vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm cho các trường hợp có nhu cầu.

Chỉ tính trong 5 năm qua, thành phố hỗ trợ sửa chữa nhà cho 4 trường hợp với số tiền 92 triệu đồng; hỗ trợ học nghề cho 35 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho 175 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm cho 229 trường hợp với số tiền 229 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 85 trường hợp, với số tiền hơn 2 tỷ đồng; trợ cấp xã hội thường xuyên cho 1 trường hợp, số tiền 310.000 đồng/tháng và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho gần 1.000 lượt trường hợp, với số tiền hơn 500 triệu đồng…

Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ kinh phí cho người được phân công theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện với mức 350.000 đồng/người/tháng và hỗ trợ kinh phí cho người sau cai nghiện từ 5 năm trở lên không tái nghiện, đủ điều kiện theo quy định cho 133 trường hợp với mức 10 triệu đồng/người.

Thực tế hiện nay, hệ thống chính sách về phòng chống ma túy chưa đồng bộ, các văn bản luật còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tuy được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng chưa được đổi mới, đến gần hơn với các đối tượng có nguy cơ cao về ma túy nên hiệu quả còn hạn chế. Hiện nay, cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, điều trị cắt cơn cai nghiện tại cộng đồng đã hình thành tại một số địa phương nhưng chưa nhiều; chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Vẫn còn một số trường hợp nghiện ma túy, gia đình người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện nên gây khó khăn cho công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện. Mặt khác, một số người sau cai nghiện không thường xuyên có mặt ở nơi cư trú hoặc bỏ đi khỏi địa phương, đi làm ăn xa, không khai báo nên việc quản lý gặp nhiều trở ngại.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10-1-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26-4-2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Quyết định này đã bổ sung thêm một số quy định mới và tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm chính sách này tại 15 tỉnh, thành, trong đó có Đà Nẵng.

Theo đó, cá nhân được vay 20 triệu đồng trong 36 tháng và được tiếp tục thí điểm đến hết ngày 31-12-2020. Đến năm 2021, Bộ LĐ,TB&XH có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả đạt được và tác động của chính sách, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc mở rộng thực hiện quyết định trên phạm vi cả nước. Điều này tạo thuận lợi lớn cho người lầm lỗi có việc làm, trở về con đường thiện lương.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng, thời gian đến, thành phố cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Đồng thời, cần có cơ chế cụ thể để hỗ trợ nhân lực, kinh phí tổ chức các điểm tư vấn tâm lý, hỗ trợ điều trị nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng. Thực tế hiện nay, để người đã từng nghiện ma túy có thể hoàn lương, bên cạnh các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, cần hơn nữa là lòng tin của cộng đồng để giúp người nghiện trở về cuộc sống bình thường, có việc làm ổn định. Muốn vậy, việc đào tạo nghề cho người nghiện cần chú trọng hơn mới đạt hiệu quả thực chất.

HƯƠNG SEN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích