Hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030

.

Đề án “Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030” (gọi tắt đề án) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-5-2020 với mục tiêu thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển.

Đề án hướng đến việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác nhằm góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Đề án có 6 nhiệm vụ trọng tâm: Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; phát triển kinh tế ven biển; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, ven biển, đề án nêu rõ về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn; phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Đề án cũng đề cập tới nội dung về phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo...; tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông...

Đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ; tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Đối với bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đề án chú trọng nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần; phòng, chống nước biển xâm thực, xói sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn. Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia. Nghiên cứu thúc đẩy tham gia các điều ước quốc tế về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển. Đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền, đề án tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển.

Đặc biệt, chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và khu vực Thái Bình Dương. Phổ biến rộng rãi ra khu vực và trên thế giới các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển và hợp tác quốc tế về biển; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; các công ước và luật pháp quốc tế về biển; quảng bá sâu rộng tiềm năng, thế mạnh về biển Việt Nam. Phản ánh các hoạt động hợp tác quốc tế về biển nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quôc.

PHƯƠNG THANH tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.