Khát vọng vươn lên làm giàu từ biển

.

Từ con tàu nhỏ được hóa giá của một ngư dân, giờ đây ông Lê Văn Xin (57 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã cải tiến con tàu của mình ngày càng hiện đại hơn để vươn ra biển lớn, vừa khai thác vừa bảo vệ chủ quyền.

Ông Lê Văn Xin (quận Sơn Trà).       Ảnh: N. PHÚ
Ông Lê Văn Xin (quận Sơn Trà). Ảnh: N. PHÚ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề biển ở quận Sơn Trà, cũng như bao thiếu niên khác, Lê Văn Xin được cha mẹ cho đi học, mong muốn con mình có chữ để đỡ khổ. Cha ông Xin hùn vốn với những người dân trong địa phương đóng tàu công suất nhỏ vươn khơi để nuôi sống gia đình. Vốn đam mê nghề của cha nên Xin thường xuyên ra bến cá mỗi khi cha đi biển về. Những mắt lưới bị hỏng, Lê Văn Xin đều cùng mẹ vá lại. Thế rồi, vị mặn mòi vương trên lưới ngày ngày bồi đắp trong anh tình yêu biển.

Hết học, Lê Văn Xin làm nghề biển cùng cha. Dù còn trẻ, nhưng kinh nghiệm biển cả của anh khá phong phú, nhờ đó mỗi chuyến biển về đều đầy ắp cá tôm. Năm 1993, sau khi cưới vợ, anh làm thuyền trưởng cho tàu của bố vợ. Tuy nhiên, quyết không thể đi làm “thuê” mãi nên đến năm 2000, sau khi tích góp được một số vốn sau nhiều năm làm biển, ngư dân Xin đã hùn vốn với một người cùng phường để đóng mới con tàu có công suất 56CV với trị giá 12,5 lượng vàng. Có tàu lớn hơn, ông Lê Văn Xin tiếp tục công việc làm thuyền trưởng của mình.

“Hành trình của tàu cá làm nghề lưới rê của tôi rong ruổi ở nhiều ngư trường. Trong đó, chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ. Những chuyến biển chúng tôi luôn đem về đầy cá, mực, cuộc sống của gia đình tôi cũng như các lao động bắt đầu khấm khá hơn”, ông Lê Văn Xin chia sẻ.

Sau khi gặp nhiều trục trặc trên con tàu 56 CV, ông cùng người góp vốn quyết định bán tàu. Năm 2005, sau khi dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo Quyết định 393/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-6-1997 thất bại, 42 tàu bị ngân hàng đưa ra hóa giá. Ngư dân Lê Văn Xin đã mạnh dạn mua lại tàu có công suất 165CV của ông Minh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) với giá gần 300 triệu đồng.

“Tàu tuy công suất 165CV nhưng thuộc cỡ lớn. Để vươn ra biển lớn, tôi quyết định nâng cấp máy tàu lên 240CV, rồi 380CV. Đến đầu năm 2014, thì nâng cấp tàu lên 780CV làm 2 nghề là chụp mực và lưới rê 3 lớp”, ông Lê Văn Xin cho biết.

Năm 2006, khi thành phố thành lập tổ tàu thuyền an toàn, tự quản trên biển, Lê Văn Xin trở thành “thủ lĩnh” của tổ đội số 6, phường An Hải Bắc gồm 7 tàu, gần 70 lao động. Kể từ khi có tàu lớn, ông Lê Văn Xin bắt đầu trang bị máy móc thiết bị hiện đại cho tàu của mình, giúp việc khai thác, đánh bắt hải sản ngày một hiệu quả hơn. Con tàu ông lấy ngư trường Hoàng Sa làm ngư trường chính để khai thác hải sản cùng với tổ đội của mình.

Ông Xin tâm sự, ngư trường Hoàng Sa thủy sản dồi dào nên mỗi chuyến ra khơi, thuyền đều về đầy ắp cá, thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng, các lao động cũng có thu nhập từ 80-100 triệu đồng.

Gần 3 năm nay, việc đánh bắt hải sản gặp một số khó khăn, trong đó đặc biệt là giá dầu cao, lao động hiếm. Nhưng ông Lê Văn Xin luôn biết vận dụng kinh nghiệm trong khai thác hải sản, trong đó tập trung vào nghề chụp mực nên mỗi chuyến ra khơi vẫn mang lại thu nhập khá.

Anh Nguyễn Văn Hà, người thường xuyên “đi bạn” cùng ông Xin chia sẻ: “Biển giã mỗi lúc một khó khăn nhưng với kinh nghiệm của một “lão ngư” như ông Xin, chuyến biển nào tàu cũng về đầy khoang, cuộc sống lao động rất ổn định. Vì vậy, nhiều anh em lao động thường gắn bó lâu dài với ông Xin”.

Nói về ngư dân Lê Văn Xin, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, đây là một ngư dân tiêu biểu, làm ăn kinh tế hiệu quả từ biển. Đặc biệt, ông có tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, nhiều năm qua ông đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, thành phố và địa phươngvề thành tích sản xuất kinh tế giỏi.

PHƯƠNG THANH

;
;
.
.
.
.
.