Một trời ký ức của tôi

.

Khu tập thể (KTT) mà tôi được sinh ra, lớn lên và gắn bó cho đến bây giờ là cả một trời ký ức. Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, nhưng KTT có phần ẩn khuất, lặng lẽ và bình dị.

Đây là nơi sinh sống của 10 gia đình công tác chung tại một cơ quan Nhà nước. KTT có một bậc tam cấp dẫn lên ngay phía cổng và chưa bao giờ bị ngập trong những trận mưa bão. Từ bức tường dọc cổng vào cho đến hành lang, giếng nước đều nhuốm màu thời gian với rêu xanh và màu vôi vàng cũ kỹ, thỉnh thoảng điểm xuyết vài bông hoa, vài giàn mướp hay chậu xương rồng được trồng gần đó. Mỗi gia đình sống trong một căn hộ chừng hơn 20m2 nhưng thoáng đãng, các căn hộ nối đuôi nhau thành một dãy dài, uốn lượn phía sau dẫn vào một ngõ cụt. Điều này đồng nghĩa với việc KTT chỉ có duy nhất một lối ra vào.

Cũng nhờ đó, “dãy 10 gian” (tên gọi thân thương của chúng tôi) như một gia đình lớn, một ngôi nhà lớn, ra vào dễ dàng gặp nhau và cùng chung tổ dân phố. Bọn trẻ chúng tôi cả khi ấy và đến tận bây giờ - vẫn xem nhau như anh chị em. Hành lang nối dài đối diện các căn hộ được tận dụng làm dàn phơi quần áo chung, cũng là sân chơi đầy ắp kỷ niệm ấu thơ của bọn trẻ trong dãy 10 gian.

Chúng tôi khi ấy không có internet, không có điện thoại, cũng chẳng máy tính bảng hay tivi. Những trò chơi thu hút bọn tôi không biết chán mỗi ngày là “bờ dao bờ dao lên bờ”, nhảy dây, trốn tìm... Có khi trời mưa không ra ngoài chơi được, chúng tôi lại tụ tập ở nhà anh cả của xóm, nằm vây quanh anh và nghe anh kể chuyện… ma. Kết quả là tối hôm đó, người lớn cũng phải phì cười khi bọn tôi í ới rủ nhau cùng đi... vệ sinh chung cho đỡ sợ. Lại nói đến khu vệ sinh chung, mỗi sáng, cả người lớn người bé chúng tôi đều xếp hàng dài và trò chuyện vui vẻ trong khi chờ đến lượt. Dường như ở đây, những bất tiện trong sinh hoạt đã bị đẩy lùi bởi những ấm áp, gần gũi, yêu thương và sẻ chia của mọi người.

KTT ngoài những cô chú đang công tác, còn có các bác lớn tuổi đã về hưu, trong đó có bác nguyên là hiệu phó một trường THPT trên địa bàn thành phố. Chúng tôi thường gọi vui bác là “quan tòa”, là “tổ trưởng tổ dân phố” của lũ trẻ trong xóm, bởi lẽ mọi đúng sai chúng tôi đều chạy đến “méc” và nhờ bác phân xử. Bọn tôi khi ấy dù sợ bác một phép vẫn tíu tít với bác mỗi ngày. Cứ vậy, KTT như thể luôn có một nguồn năng lượng ấm tỏa ra đều đặn và rộng khắp.

Nói đến không gian quá đỗi thân thương với những người lớn lên trong KTT như tôi thì không thể không nhắc đến sân giếng nước chung tràn ngập ký ức. Giếng nước là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho cả KTT. Đến giờ, tôi vẫn thành thạo kỹ năng kéo nước từ giếng lên bằng gàu và dây thừng một cách nhịp nhàng. Chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi tập trung tắm gội tại sân giếng.

Còn nhớ mỗi mùa đông đến, nước giếng lạnh hơn, chúng tôi cứ cầm cái gàu nước đi qua đi lại, mãi một lúc sau mới lấy hết “dũng khí” dội thật nhanh lên người, rồi cứ vậy lại vừa tắm vừa cười khúc khích, rộn ràng cả góc sân. Cả KTT còn có chung một vòi nước máy thủy cục. Thế là chúng tôi may mắn có được những hình ảnh có một không hai trong ký ức. Cứ đến giờ phát nước máy, mỗi hộ trong KTT lại đem xô, chậu ra xếp thành một hàng dài ngay ngắn chờ hứng nước, bọn trẻ chúng tôi có khi còn được người lớn phân công ra “điều phối” xô, chậu theo thứ tự.

Giờ đây, bao nhiêu năm trôi qua, KTT vẫn thế, nhưng mỗi nhà đều sắm sửa trang thiết bị hiện đại và tiện nghi hơn. Những cô bé, cậu bé ngày xưa nay đã có gia đình riêng, không còn ở KTT đó nữa. Nhưng mỗi lần trở về chốn yêu thương bé nhỏ ấy, những cô bé, cậu bé ngày xưa đều thấy lòng lắng đọng, an yên và ấm áp.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.