Niềm vui tuổi già ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng

.

Người “trẻ” nhất đã bước sang tuổi 70, người cao tuổi nhất năm nay cũng tròn 105. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, hy sinh, mất mát, bệnh tật, đau thương nếm đủ, thế nhưng 55 “cư dân” trong ngôi nhà chung - Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố vẫn tràn đầy tiếng cười, niềm lạc quan.

Những cơn mưa kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay đã khiến các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (gọi tắt là Trung tâm) không thể tập các bài dưỡng sinh buổi sáng và đi dạo mát trong khuôn viên như thường lệ. Sảnh lớn của Trung tâm nhờ vậy bỗng trở nên nhộn nhịp khi các cụ tập trung tại đây sinh hoạt, giải trí hằng ngày. Thấy chúng tôi đến, gấp cuốn sách đọc dở, bà Trần Thị Ba, năm nay đã bước sang tuổi 74 cười vui vẻ: “Vì mưa, sân trơn nên chúng tôi không ra sân tập dưỡng sinh, tắm nắng và chăm sóc mấy khóm hoa. Nhưng cũng không sao, ở sảnh lớn này Trung tâm đã làm 2 góc thư giãn, có đủ các hình thức giải trí như sách, báo, cờ đô-mi-nô, cờ cá ngựa, xếp hình... nên ai cũng thấy vui, khuây khỏa”.

Vợ chồng ông Huỳnh Đăng Chúc (92 tuổi) - Hồ Thị Ra (87 tuổi) là cặp vợ chồng duy nhất sống tại Trung tâm thong thả kể về một ngày của mình: “Nếu trời không mưa thì 5 giờ 30 chúng tôi ra sân tập dưỡng sinh 30 phút, sau đó về phòng nghỉ để nhân viên y tế đến tận phòng đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe, sau đó, chúng tôi đến phòng thờ của Trung tâm để thắp hương, rồi trở về ăn sáng, ra biển đi dạo, đọc sách... Những ngày mưa bão, chúng tôi tập trung ở sảnh đọc sách, báo hoặc chơi bài với các cụ ở đây, đầu giờ chiều thì đi tập vật lý trị liệu. Ở tuổi này, vợ chồng tôi được chăm lo sức khỏe, có bạn trò chuyện, thong dong đọc sách như vậy là mãn nguyện lắm rồi”.

Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, từ nhiều năm nay, Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố luôn áp dụng những chính sách chăm lo cho người có công cao hơn mặt bằng chung cả nước. Cụ thể, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng, những người có công cách mạng, không còn thân nhân sẽ được vào sống tại các Trung tâm Phụng dưỡng địa phương. Tuy nhiên, các cụ phải đóng tiền ăn.

Ở Đà Nẵng, người có công được sống hoàn toàn miễn phí ở Trung tâm, dẫu rằng các cụ có lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, toàn bộ tiền ăn buổi trưa và buổi tối do thành phố hỗ trợ, riêng buổi sáng thì được huy động từ các nguồn xã hội hóa. Thời gian qua, Trung tâm nhận được rất nhiều sự chia sẻ của các mạnh thường quân nên ngoài ba bữa chính, còn có thêm bữa phụ bao gồm sữa, trái cây, các loại bánh kẹo khác và cả thuốc bổ để tăng cường sức khỏe cho các cụ. Trung tâm cũng có Phòng y tế với 5 nhân viên luôn sẵn sàng chăm sóc sức khỏe 24/24 giờ cho 55 cụ tại đây. Đặc biệt, trong 2 đợt bùng phát Covid-19 vừa qua, Trung tâm đã thực hiện chăm sóc chu đáo tất cả các cụ tại Trung tâm cũng như 4 cụ đang điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Bà Phạm Thị Oanh cho biết thêm: “Tuổi trung bình của các cụ ở đây là trên 80. Khi Covid-19 bùng phát, Trung tâm gần như phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn cho các cụ tuổi cao, nhiều bệnh lý nền. Mừng một điều, đến nay tất cả đều khỏe mạnh”.

Với tâm ý mong muốn các cụ có cảm giác ấm áp, thương yêu, đùm bọc nhau như một gia đình, đều đặn hằng tuần, Trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị bên ngoài như Đoàn Thanh niên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học... để các bạn trẻ đến vừa trò chuyện, vừa giúp các cụ tập vật lý trị liệu, yoga... Đặc biệt, Trung tâm còn kết nghĩa với Làng SOS và Làng Hy Vọng, qua đó định kỳ mỗi tháng mỗi làng 1 lần đến giao lưu sinh hoạt với các cụ. Các cụ chờ đợi những ngày này nhất trong tháng, khi các em ở Làng Hy Vọng và SOS về Trung tâm sinh hoạt, đến từng phòng các cụ để ríu rít trò chuyện như con cháu lâu ngày về thăm ông bà, các cụ rất hạnh phúc. Vào những ngày lễ lớn hằng năm, nơi đây thực sự trở thành ngày hội. Dù lớn tuổi, sức yếu, các cụ vẫn tham gia văn nghệ giao lưu, thi hát karaoke, thi ngâm thơ, đọc truyện... để rồi bao giờ kết thúc cũng là những tiếng vỗ tay giòn tan xen những tiếng cười thoải mái.

Tuổi cao, sức yếu, thu nhập chỉ có lương hưu và một số khoản trợ cấp khác nhưng 2 lần Covid-19 bùng phát vừa qua, chính các cụ đã đóng góp được 25 triệu đồng để gửi đến những người ở tuyến đầu chống dịch. Những ngày gần đây, các cụ lại họp bàn để tiếp tục đóng góp ủng hộ bà con miền Trung đang bị ngập lụt. Tâm sự về điều này, ông Huỳnh Đăng Chúc bộc bạch: “Chúng tôi sống ở đây cảm thấy rất hạnh phúc, may mắn khi được Đảng, chính quyền và nhân dân chăm sóc chu đáo. Khi khúc ruột miền Trung đang oằn mình chống bão, chúng tôi phải chia sẻ với đồng bào của mình chứ”.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.