Phát triển Hòa Vang theo hướng đô thị bền vững

.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong các nhiệm kỳ qua và kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng cho huyện Hòa Vang phát triển trong thời gian tới.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại vùng hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: MAI HIỀN
Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại vùng hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: MAI HIỀN

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Hòa Vang sẽ tập trung quy hoạch, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng dịch vụ và thương mại chiếm 57,36%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,52%, nông nghiệp chiếm 8,12%. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 11-12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có thêm từ 2-3 xã đạt chuẩn đô thị loại 5, thành lập 1-2 thị trấn và phấn đấu trong nhiệm kỳ đề xuất thành lập thị xã Hòa Vang.

Để làm được điều này, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng chiều sâu, kêu gọi đầu tư hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn gắn với giải quyết việc làm; đưa các thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Huyện ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; chế biến các sản phẩm từ gỗ và rừng trồng; sản xuất hàng dệt may, đồ mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và khách du lịch. Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông… phục vụ các khu công nghiệp tập trung trong thành phố và các địa phương khác trong vùng. Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác quản lý Cụm công nghiệp Hòa Nhơn; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin; hình thành Khu Công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Ninh.

Song song đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến các mô hình công nghệ, hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường; tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hữu cơ, theo mô hình VietGAP phục vụ đô thị và du lịch. Huyện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ thông qua các danh mục, dự án thành phố ban hành.

Đặc biệt, phối hợp với các ngành thành phố quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng 1/500 các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Trong đó, hình thành 8-10 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch và giáo dục.

Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với tìm hiểu lịch sử phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các di tích Gò Hà - Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ, Đồng Nghệ, Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy. Xây dựng các tour sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống; các tour du lịch đường sông Cu Đê, Túy Loan và mở rộng phát triển điểm du lịch cộng đồng tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, đưa vào hoạt động điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn.

Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, hệ thống không gian xanh, đô thị huyện theo hướng bền vững, phát huy thế mạnh địa phương. Đồng thời, nghiên cứu tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu để áp dụng cho các khu đô thị mới trên địa bàn huyện. Qua đó, đề xuất thành phố ban hành cơ chế chính sách riêng cho huyện, bổ sung vào các cơ chế chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển huyện Hòa Vang.

Tuy nhiên, hiện nay huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, đó là quy mô kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch chậm; khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp chưa cao, đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Nguồn thu ngân sách thấp và không ổn định. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản còn diễn ra. Những bất cập trong công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư làm phát sinh các vấn đề xã hội.

Trong khi đó, năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đây cũng là những thách thức lớn trong nhiệm 2020-2025 mà Đảng bộ huyện cần tập trung xử lý để tạo ra động lực cho huyện phát triển nhanh và bền vững.

GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.