10 sự kiện thành phố Đà Nẵng năm 2020 (Báo Đà Nẵng bình chọn)

.

1. Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng thành công tốt đẹp

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn thành phố, đặc biệt Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức từ ngày 20 đến 22-10-2020 và Đại hội thi đua yêu nước thành phố lần thứ V thành công tốt đẹp. Đại hội thông qua Nghị quyết về đánh giá tình hình và kết quả 5 năm 2015-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 5 năm 2020-2025, trong đó xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXII ra mắt tại đại hội. Ảnh: VĂN NỞ
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXII ra mắt tại đại hội. Ảnh: VĂN NỞ

Ngày 28-9-2020, UBND thành phố tổ chức Đại hội thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng lần thứ V nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo không khí thi đua mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025.

2. Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Đô thị thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG THU
Đô thị thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG THU

Ngày 19-6-2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức mô hình 1 cấp chính quyền địa phương ở thành phố và 2 cấp hành chính ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường) từ ngày 1-7-2021 cùng với thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách, được phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố, cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

3. Kiểm soát thành công, đẩy lùi Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chủ động, bình tĩnh, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các địa phương bạn, huy động sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai quyết liệt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020, Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 3-9-2020 nhằm chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, chủ động phòng, chống dịch, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đà Nẵng gấp rút thành lập 2 bệnh viện dã chiến, tăng cường trang thiết bị hiện đại, bổ sung nhân lực, áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị. Đặc biệt, một lần nữa “Đà Nẵng tình người” lại thể hiện một cách mộc mạc, chân thành nhất khi các chiến dịch tiếp sức cho người bệnh, tiếp sức cho nhân viên ở tuyến đầu được lan tỏa rộng khắp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bìa phải) kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào tháng 8-2020. Ảnh: PHAN CHUNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bìa phải) kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào tháng 8-2020. Ảnh: PHAN CHUNG

Do tác động của Covid-19, kinh tế thành phố năm 2020 đạt mức tăng trưởng khá thấp so với kế hoạch. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước đạt 101.233 tỷ đồng, giảm 9,77% so với năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19, nhất là ngành du lịch - dịch vụ; ngành công nghiệp công nghệ thông tin duy trì được sự ổn định; tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 14.053 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 97 triệu USD, tăng 9%.

4. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng

Ngày 18-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (giữa), Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá cao hồ sơ lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (giữa), Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá cao hồ sơ lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Cùng với Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, đây là những văn kiện có ý nghĩa định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển và tiếp thêm động lực, niềm tin cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn mới đầy thách thức và kỳ vọng.

5. Khởi công nhiều dự án, công trình động lực, trọng điểm

Trong năm 2020, thành phố đã khởi công nhiều công trình động lực, trọng điểm như: Nhà máy nước Hòa Liên; dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); mở rộng Công viên APEC; cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý… Đặc biệt, sau 23 năm bị “treo”, dự án Làng Đại học Đà Nẵng được công bố quy hoạch phân khu và khởi công xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạng mục công trình phụ trợ.

Lãnh đạo thành phố tham dự Lễ khởi công công trình Vườn tượng APEC mở rộng tháng 10-2020.Ảnh: THU HÀ
Lãnh đạo thành phố tham dự Lễ khởi công công trình Vườn tượng APEC mở rộng tháng 10-2020. Ảnh: THU HÀ

Điểm đáng chú ý của năm 2020 là các dự án mới được khởi công cũng như hoàn thành phần lớn sử dụng ngân sách Nhà nước, đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh đầu tư công của Đà Nẵng để phục hồi, phát triển kinh tế. Ngoài ra, năm 2020, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt 5.656 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch Trung ương giao, tăng 3.291 tỷ đồng và gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

6. Thu hút đầu tư khởi sắc

Thu hút đầu tư tại Đà Nẵng đạt nhiều kết quả tích cực, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 toàn cầu. Trong năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng tính đến 15-12-2020 bao gồm vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 284 triệu USD, tăng 42,4% so với năm 2019. Về thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 16.663 tỷ đồng, cấp 15 giấy chứng nhận đầu tư dự án trong nước trong KCN và Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 2.201 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,6 lần về vốn so với năm 2019.

Thi công dự án tuyến đường và cầu qua sông Cổ Cò, một trong những dự án đầu tư công, động lực, trọng điểm của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Thi công dự án tuyến đường và cầu qua sông Cổ Cò, một trong những dự án đầu tư công, động lực, trọng điểm của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 2020, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Đà Nẵng đã linh động đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hình thức hội nghị/diễn đàn đầu tư trực tuyến, hướng đến các thị trường trọng điểm gồm Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Năm 2020, Thành ủy và UBND thành phố tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 30-KL/TU ngày 26-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Trong 5 năm qua, Đà Nẵng thu hút được hơn 76.100 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng hơn 43.270 tỷ đồng so với giai đoạn 2011 - 2015) và 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới (tăng 31,4 triệu USD so với giai đoạn 2011 - 2015). Lũy kế đến nay, toàn thành phố có hơn 700 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư hơn 147.500 tỷ đồng) và gần 900 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực (tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 3,5 tỷ USD).

7. Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố thông minh Việt Nam 2020”

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (giữa) nhận danh hiệu “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2020”. Ảnh: KHANG NINH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (giữa) nhận danh hiệu “Thành phố thông minh Việt Nam năm 2020”. Ảnh: KHANG NINH

Tháng 11-2020, thành phố Đà Nẵng nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức. Đồng thời cũng nhận 3 giải thưởng khác dành cho các thành phố thông minh gồm: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh” và “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đây là những giải thưởng quan trọng, trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng đang xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh của Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2010 với việc UBND thành phố ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử Đà Nẵng. Năm 2014, đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn được ban hành, làm cơ sở để triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh. Năm 2018, khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh Đà Nẵng ra đời, tập trung vào 16 lĩnh vực chuyên ngành thuộc 6 trụ cột, gồm: quản trị, kinh tế, môi trường, đời sống, giao thông và công dân.

8. Cải cách hành chính đạt những thành tựu nổi bật

Hoạt động giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY
Hoạt động giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Thành phố tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, kết quả hiện đại hóa nền hành chính là điểm sáng nhất trong công tác cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2011 – 2020. Các thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 của Đà Nẵng đạt tỷ lệ ấn tượng. Đến cuối năm 2020, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động 1.677 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 (chiếm 95,3% tổng số TTHC). Trong 10 năm qua, có tổng cộng 899 thủ tục được rút ngắn tổng số thời gian là 312.063 ngày làm việc trên tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính; đơn giản hóa, rút ngắn 20% thời gian xử lý hồ sơ đối với các TTHC liên quan đến xây dựng cơ bản trong đầu tư công.

9. Nông, lâm, thủy sản tăng 2,4%

Thu hoạch lúa hè thu được mùa trên đồng ruộng tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thu hoạch lúa hè thu được mùa trên đồng ruộng tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, thời tiết và dịch bệnh phức tạp nhưng năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng 2,4%. Trong đó, nông nghiệp tăng 0,77%; lâm nghiệp tăng 3,07%; thủy sản tăng 2,94%; quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành năm 2020 ước đạt hơn 2.251 tỷ đồng, tăng hơn 184 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy chiếm tỷ trọng rất thấp, nhưng có thể xem đây là một trong những điểm sáng góp phần kiềm chế sự sụt giảm kinh tế năm 2020. Thành phố đã hoàn thành 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân về phát triển thủy sản, nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

10. Dấu ấn các chương trình an sinh xã hội

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 20 năm thành phố triển khai thực hiện thành công các chương trình an sinh xã hội  “5 không”, “3 có” và “4 an”, góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu “Thành phố đáng sống”. Năm 2000 - năm đầu tiên triển khai chương trình “5 không”, thành phố còn 850 hộ đói, tuy nhiên chỉ 2 năm sau thành phố đã xóa hết hộ đói. Với rất nhiều giải pháp quyết liệt, cách làm hay cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tích cực, 20 năm qua thành phố đã giúp trên 220.000 lượt hộ nghèo thoát nghèo. Đây cũng là cơ sở để thành phố thực hiện thành công các mục tiêu khác như không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người cướp của. Song song đó, để thực hiện chương trình “3 có” thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, như xây dựng trên 10.000 căn hộ chung cư, nhà liền kề, ký túc xá... Chương trình “4 an” với việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm phát luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.

Xã Hòa Phước tổ chức lễ bàn giao nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 3-2020.  Ảnh: KIM PHƯỢNG
Xã Hòa Phước tổ chức lễ bàn giao nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 3-2020. Ảnh: KIM PHƯỢNG

Tròn 20 năm thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt được kết quả tích cực. Đây là kết quả chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và các tổ chức, cá nhân. Đó cũng chính là hành trang quan trọng để thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội trong thời gian đến, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố.

Nhóm P.V

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích