ĐẠI HỘI HIỆP HỘI NỮ DOANH NHÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ III, NHIỆM KỲ 2020-2025

Những "nữ tướng" trong thời bình

.

Dù gặp những khó khăn, thách thức nhưng các nữ doanh nhân Đà Nẵng vẫn chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp của mình vượt qua thử thách, đạt được thành công, đồng thời tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (bìa trái) ủng hộ người khó khăn do Covid-19. 					      Ảnh: P.M
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (bìa trái) ủng hộ người khó khăn do Covid-19. Ảnh: P.M

Mọi người vẫn ví doanh nhân là những người lính thời bình. Nhưng ít ai biết tham gia Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng hôm nay còn có những chị là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, biệt động thành, tham gia kháng chiến giành chính quyền ngày ấy. Những con người đã từng có năm tháng tuổi trẻ đi qua chiến tranh, từng đối đầu trực diện trước kẻ thù vẫn không hề run sợ. Những người phụ nữ ấy đã dành trọn cuộc đời còn lại của mình để tiếp tục cống hiến, làm được nhiều việc có ích cho gia đình, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước.

Đơn cử như Nguyễn Thị Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Thuở nhỏ, Nguyễn Thị Nhị nối gót cha anh tham gia cách mạng, trở thành cô giao liên khi vừa tròn 16 tuổi. Trong quá trình tham gia biệt động, nhiều lần vào sinh ra tử, bị lao tù, tra khảo và hành hạ, người nữ chiến sĩ trẻ tuổi đã phải hứng chịu những đòn roi, nhục hình tra tấn dã man.

Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, với mong muốn trở về góp phần xây dựng quê hương, chị Nguyễn Thị Nhị lựa chọn nghề may và trải qua nhiều vị trí trong ngành may mặc thành phố. Khi nghỉ hưu, với mong muốn tạo việc làm cho nhiều người, chị thành lập Công ty TNHH Tiến Thắng, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, 100% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Tiến Thắng bình quân hằng năm tăng trưởng 10-15%. Hiện chị Nhị đã tiếp nhận nhiều người nghèo khó, hoạn nạn, tật nguyền vào làm việc với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chị còn xây dựng mối quan hệ với các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, vận động họ giúp đỡ những người lao động tật nguyền.

Cũng tham gia cách mạng như chị Nhị, với chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, sau những năm tháng máu lửa hào hùng đánh giặc Mỹ là những ngày không ngừng phấn đấu, học tập, làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, chị mở Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu (văn phòng công chứng tư nhân đầu tiên trên địa bàn thành phố), tạo việc làm cho hàng chục lao động. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chị còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, ủng hộ 1 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Nhiều tấm gương khác như các chị: Phạm Thị Minh Trang, Hồ Thị Bích Hường, Nguyễn Thị Kim Liên... không chỉ giỏi kinh doanh mà còn chung tay cùng với chính quyền thành phố trên mặt trận văn hóa, xã hội, giáo dục và môi trường, an sinh xã hội... Đơn cử như chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển đã tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, tặng 300 thùng đựng chai lọ tái chế... Hay các chị Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Thị Nam Phương, Nguyễn Thị Kim Phượng... đã tích cực với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, làm nên những thương hiệu giáo dục uy tín đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Hiện nay tình hình Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, các hiệp định thương mại đang mở ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng vẫn còn những khó khăn. Chị em hội viên Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng luôn nhắc nhau nỗ lực hết mình để phát triển doanh nghiệp nhưng không quên góp sức vào sự phát triển của cộng đồng, “trao giá trị, tạo thành công”.

PHƯƠNG MINH - HỒNG HOA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích