Hiểu đúng về dịch vụ công tác xã hội cho phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh

.

Dịch vụ công tác xã hội (CTXH) được hiểu là các dịch vụ cụ thể hóa các luật pháp, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng, trong đó có phụ nữ, trẻ em... có nhu cầu giải quyết các vấn đề khó khăn và mang tính chuyên nghiệp của CTXH.

Phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh là một trong những nhóm đối tượng yếu thế cần sự can thiệp và trợ giúp của các cơ sở cung cấp dịch vụ không chỉ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, mà gần gũi nhất đối với họ là dịch vụ CTXH của ngành y tế, cung cấp ngay tại bệnh viện và cộng đồng. Cụ thể, dịch vụ CTXH được cung cấp bởi các cơ sở y tế/bệnh viện, thể hiện ở Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 26-11-2015. Theo đó, các dịch vụ CTXH cho phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh gồm có: Dịch vụ tư vấn - giáo dục xã hội phòng ngừa sang chấn tâm lý; dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý và dịch vụ quản lý trường hợp.

Để đáp ứng các nhu cầu cho thân chủ, nhân viên xã hội cần xác định được các nguồn lực từ chính cá nhân thân chủ, gia đình thân chủ và cộng đồng; đồng thời điều phối tổ chức một cách khoa học để thân chủ có thể tiếp cận các dịch vụ này hiệu quả nhất. Một kỹ thuật quan trọng mà nhân viên CTXH cần sử dụng trong can thiệp phục hồi sang chấn tâm lý là “bản đồ nguồn lực”. Với kỹ thuật vẽ sơ đồ mạng lưới hỗ trợ xã hội, nhân viên CTXH có thể giúp thân chủ của mình tìm ra và sử dụng các nguồn lực hữu ích để hỗ trợ bản thân. Qua đó, thân chủ có thể định danh từng tác nhân, từng con người, từng tổ chức có thể giúp mình. Nhân viên CTXH thường xuyên thăm viếng, quan sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tác nhân trong mạng lưới và gợi mở để thân chủ sử dụng mạng lưới hỗ trợ cho hiệu quả nhất, cũng như thúc đẩy xây dựng và phát triển mạng lưới hỗ trợ ở cộng đồng…

Các nguyên tắc trong cung cấp dịch vụ CTXH cho phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh phải kể đến đó là: Chấp nhận thân chủ, không phán xét; tính cá thể hóa; tính bảo mật thông tin, tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ; tự ý thức về bản thân của nhân viên CTXH; dịch vụ toàn diện, liên tục; bảo đảm công bằng; trao quyền và dịch vụ chất lượng. Chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như cơ chế chính sách, sự tác động của truyền thông, đặc điểm tâm lý của phụ nữ bị sang chấn tâm lý và đặc biệt là vai trò của nhân viên CTXH cùng tính chuyên nghiệp của các dịch vụ. Tính chuyên nghiệp thể hiện khá rõ khi thực hiện tốt các nguyên tắc cung cấp dịch vụ CTXH. Nổi bật là dịch vụ phải toàn diện, đồng bộ, liên tục… đòi hỏi ở sự phối, kết hợp liên ngành trong điều phối, kết nối và cung cấp dịch vụ CTXH…

Thực tế, các nhóm dịch vụ CTXH đối với phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn manh mún, chưa được đầu tư đúng mức và chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của thân chủ. Thạc sĩ Đàm Thị Kim Ân, chuyên gia CTXH trong lĩnh vực y tế cho rằng, thực tế hiện nay, kể cả công và tư đều chưa có một cơ sở nào thực hiện hoạt động tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ sau sinh. Hơn thế, các bà mẹ không nhận được nhiều hỗ trợ từ các trạm y tế phường, xã về tâm lý, xã hội khi đến khám thai hoặc khám, chữa bệnh cho con. Vì vậy, để có thể phát triển các dịch vụ CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung và phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh nói riêng, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phòng ngừa sang chấn và rối nhiễu tâm trí. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và đề xuất các mô hình dịch vụ CTXH cho nhóm đặc thù này theo hướng tiếp cận liên ngành dựa vào cộng đồng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực, bởi đây là một lĩnh vực khá mới mẻ, cần những kiến thức rộng và kỹ năng chuyên sâu.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Bởi bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình là một trong những tác nhân quan trọng gây nên sang chấn tâm lý đối với phụ nữ và trẻ em. Giải pháp về cơ chế chính sách là giải pháp quan trọng quyết định cho sự hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ CTXH; đặc biệt, cần có chính sách thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ mang thai nuôi con nhỏ... Có thể nói, việc tiếp cận liên ngành và xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ CTXH chính là giải pháp căn cơ, đáp ứng xu hướng phát triển chung của đất nước, phù hợp với cộng đồng quốc tế, mang tính hiệu quả, thiết thực và bền vững.

TRƯƠNG THỊ NHƯ HOA

;
;
.
.
.
.
.