Huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, chủ động phòng, chống Covid-19

.

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tiến hành phiên thảo luận tại 3 tổ. Trong đó, các đại biểu tập trung phân tích và làm rõ bức tranh về phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 và đề xuất giải pháp tăng trưởng trong năm 2021.

Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Khai thác hiệu quả các nguồn lực

Hầu hết các ý kiến của đại biểu (ĐB) đánh giá mặc dù là tâm điểm bùng phát đợt dịch thứ hai, nhưng cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Trung ương và với nỗ lực, quyết tâm, linh hoạt trong chỉ đạo và hành động của toàn hệ thống chính trị, thành phố sớm kiểm soát Covid-19, tạo sự ổn định và các điều kiện thuận lợi để phục hồi kinh tế dịp cuối năm. Tinh thần chủ động này cũng thể hiện rõ và có hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai bão, lụt vào cuối năm 2020.

Liên quan đến việc đưa ra chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố năm 2021 tăng 6% so với năm 2020, ĐB Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, đây là mục tiêu không thể không đặt ra để thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Bởi trong năm 2021, bên cạnh những khó khăn về dịch bệnh, thành phố có nhiều thuận lợi như triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và các Nghị định của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14; đồng thời thành phố sẽ khai thác thêm từ nguồn thu sử dụng đất. “Ngoài ra, trong năm 2021, thành phố sẽ chủ động giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, ĐB Triết cho biết thêm.

ĐB Trần Văn Trường (huyện Hòa Vang) đề nghị thành phố có giải pháp rõ trong phát triển du lịch theo hướng cần đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách... ĐB Trần Văn Trường cũng đề nghị thành phố, các sở, ngành liên quan cần có giải pháp để xử lý diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được; thực hiện hoàn thổ đất mỏ; nhanh chóng tháo gỡ những dự án treo kéo dài nhiều năm liền để người dân ổn định cuộc sống. Về vấn đề thu hút đầu tư, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn đề nghị cần có sự đổi mới trong cơ chế, chính sách; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, quy định để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là sau Covid-19, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, điều hành của thành phố.

Thúc đẩy tiến độ các dự án, chủ động ứng phó dịch bệnh

Theo ĐB Phạm Tấn Xử, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, hiện nay việc phát triển ngành dịch vụ logistics còn chậm, chưa đúng kỳ vọng. Các sở, ngành liên quan cần có sự phối hợp, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm ra giải pháp đưa ngành logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong khi đó, ĐB Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND thành phố cho rằng, trong năm 2021, thành phố cần phân tích kỹ hơn về các phân ngành, nhất là những phân ngành ít bị ảnh hưởng của Covid-19 để tập trung kích thích, đẩy mạnh phát triển, vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn lực về đất đai, nhất là ở những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố.

ĐB Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy Sơn Trà cho rằng, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là từ ngày 1-7-2021 trở đi, UBND quận là đơn vị dự toán cấp 1 của ngân sách thành phố và thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội. UBND các quận sẽ gặp nhiều khó khăn về việc xây dựng giao dự toán hằng năm, từ đó không thể bố trí thêm cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp kiến thiết và giao thông. ĐB Trần Thắng Lợi đề nghị thành phố chủ động bố trí dự toán cho quận thực hiện ngay từ đầu năm 2021, không cân đối theo tiến độ thu, chi.

Phát biểu thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận các kiến nghị của các ĐB, đồng thời cho biết hiện nay nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần khiến tiến độ các dự án chậm đi rất nhiều. “Một số dự án triển khai chậm, một phần do điều chỉnh dự án diễn ra nhiều, một phần vì công tác cán bộ lãnh đạo thay đổi vị trí, khiến công tác điều hành, chỉ đạo bị gián đoạn. Thời gian tới, sẽ khắc phục những hạn chế này để thúc đẩy tiến độ các dự án”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh nói. Về công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố hiện vẫn có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, nên công tác quản lý đặt ra rất nghiêm túc, quyết liệt. Các khu cách ly tập trung nhất thiết không cho người nhà đến thăm, quản lý nghiêm thời gian cách ly, xử lý sạch sẽ điểm cách ly tập trung sau khi hết hạn tập trung. “Trường hợp xảy ra dịch, thành phố đã có những kịch bản cụ thể để ứng phó”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định.

Nhóm PV Thời sự

;
;
.
.
.
.
.