KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC, ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH (1-12-1920 - 1-12-2020)

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1-1995). Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1-1995). Ảnh: TTXVN

Sinh ra và lớn lên tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ và bước vào hoạt động cách mạng bằng việc tham gia các tổ chức quần chúng lao động ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới 18 tuổi.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí trực tiếp chỉ đạo quân đội tỉnh Thủ Dầu Một chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được cử giữ các chức: Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu” và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí được Đảng giao các chức vụ: Cục phó Cục tác chiến; Cục trưởng Cục quân lực Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9; Phó Bí thư Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên các cương vị này, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp Campuchia; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương, tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tốt nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1992, đồng chí Lê Đức Anh được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Đồng chí Lê Đức Anh luôn phấn đấu, học tập không ngừng, nâng cao tri thức về mọi mặt; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên; luôn có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong cuộc sống, đồng chí sống trung thực, giản dị, tiết kiệm, gần gũi, thủy chung với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong lời kết của cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, đồng chí đã viết: “Từ thực tiễn hơn 70 năm hoạt động cách mạng của mình, tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất là, luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai là, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên. Thứ ba là, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được”.

(Tổng hợp theo TTXVN)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích