Ngư dân Đà Nẵng kiên cường bám biển

.

Bất chấp khó khăn thử thách, ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên cường bám biển khai thác với niềm tin vững chắc: mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Ông Lê Văn Thiên, 45 tuổi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), sinh trưởng trong gia đình nhiều đời gắn bó với nghề biển. Sóng gió trùng dương đã tôi luyện ông thành một ngư dân can trường và dày dạn kinh nghiệm. Ông là chủ hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ với tổng số 16 lao động, chuyên hành nghề câu các loại cá lớn như cá cam, cá mú, cá thu... Quanh năm, hai tàu của ông liên tục khai thác tại vùng biển Hoàng Sa và các ngư trường truyền thống của Việt Nam. Sau mỗi chuyến biển (từ 12-15 ngày), trừ chi phí, thuyền viên nhận được 7-12 triệu đồng/người. “Theo chủ trương của Nhà nước, tôi mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, khai thác tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam, vừa có thu nhập cao, vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển”, ông Thiên chia sẻ.

Ông Đặng Văn Mầy, 52 tuổi (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) làm nghề biển từ thuở thiếu niên và sớm trở thành một thuyền trưởng vững vàng. Năm 2013, ông Mầy đóng mới hai tàu lớn, công suất 730CV và 750CV, hành nghề lưới chuồn. Năm 2016, ông mua thêm một chiếc tàu 780CV cũng làm nghề lưới chuồn. Ba chiếc tàu của ông Mầy đều có những thiết bị tân tiến, với tổng số gần 30 thuyền viên. Hằng tháng, mỗi tàu đi 1-2 chuyến biển, trừ phí tổn, thu nhập của chủ tàu và các thuyền viên bình quân hơn 130 triệu đồng/chuyến. Đồng thời, ông Mầy nhiệt tình tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Vừa tất bật chuẩn bị cho một chuyến biển mới, ông Mầy vừa bộc bạch: “Chúng tôi kiên quyết bám các ngư trường truyền thống để khai thác, không chỉ vì các ngư trường này nhiều hải sản mà còn vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…”.

Nhiều cựu chiến binh, cựu quân nhân cũng chọn nghề biển để mưu sinh, góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Đơn cử như ông Nguyễn Sanh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), sau khi xuất ngũ đã kiên trì bám biển và liên tục đánh bắt đạt hiệu quả cao. Từ đó, ông đã đầu tư đóng tàu công suất lớn, chuyên khai thác tại ngư trường Hoàng Sa và tích cực tham gia các hoạt động trong Tổ đoàn kết sản xuất an toàn. “Các tàu trong Tổ đoàn kết sản xuất an toàn thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình ngư trường, vị trí và thủ đoạn phá hoại của tàu nước ngoài để phòng tránh”, ông Sanh nhấn mạnh.

Cùng với ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng kiên cường bám biển khai thác, tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phú Ban, ngư dân đánh bắt xa bờ cũng như những cánh tay giữ biển, mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

MINH NGỌC

;
;
.
.
.
.
.