Nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ của 2021

.

ĐNO - Sáng 29-12, hội nghị trực tuyến "Chính phủ với các địa phương" tiếp tục ngày làm việc thứ hai, với phần tham luận của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ của 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu định hướng chiến lược đất nước trong 5 năm, 10 năm tới.

Tại điểm cầu Đà Nẵng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ các ý kiến nhất trí, đồng thuận cao như tại hội nghị, nhất là về đánh giá kết quả 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Các địa phương gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP để trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021.

Với các kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các "tư lệnh ngành" (Bộ trưởng) không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương cần thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2021 là năm đặc biệt quan trọng, vì vậy hội nghị thống nhất chủ đề của năm 2021 là “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó thống nhất định hướng điều hành, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện cuộc cách mạng 4.0, xu hướng đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới…

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ để đưa đất nước phát triển hơn nữa. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ của 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu định hướng chiến lược đất nước trong 5 năm, 10 năm tới.

Hội nghị thống nhất cao định hướng các nhiệm vụ, giải pháp đối với các dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ đã được trình bày tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nội dung gồm: cần khẳng định tầm quan trọng, sự quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng; để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững phải duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững.

Đồng thời cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng, tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực, thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chống tụt hậu…;

Các cấp, các ngành cần quán triệt thực hiện nghiêm túc tinh thần Đại hội XIII, 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng… Các bộ, ngành cần phải tập trung tháo gỡ cho các địa phương; cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cao gắn với đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những yếu tố nền tảng quan trọng nhất quyết định việc nâng cao năng suất, hiệu quả chất lượng cao…; phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Nội dung các dự thảo nghị quyết gồm dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cho năm 2021, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể; dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó Nghị quyết số 02/NQ-CP được xây dựng ngắn gọn, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP của năm 2019 và 2020.

Đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác; tập trung vào các lĩnh vực và chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết ngay các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững; bảo đảm duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, trong đó chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của Covid-19.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.