Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, phù hợp với chính quyền đô thị

.

Đây chính là yêu cầu trọng tâm khi Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ tháng 7-2021. Yêu cầu này đòi hỏi thành phố phải đổi mới mạnh mẽ về công tác tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp, nhất là yêu cầu về cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả để kiểm soát quyền lực cấp quận và phường khi không còn HĐND cùng cấp.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh cho biết, khi thành phố thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đặt ra khá nhiều yêu cầu đối với công tác tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp, nhất là yêu cầu về cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả để kiểm soát quyền lực cấp quận và phường khi không còn HĐND cùng cấp. Ông Chánh nêu đề xuất: Thứ nhất, để phục vụ hiệu quả việc triển khai thí điểm chính quyền đô thị, thành phố cần rà soát làm tốt quy trình, công tác nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường bảo đảm theo các tiêu chuẩn, chức danh, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị; hướng dẫn thực hiện quy trình nhân sự UBND quận, phường, trưởng, phó cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo quy định của Chính phủ. Việc thực hiện các chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ và đạo đức công vụ.

Thứ hai, về lâu dài cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách của thành phố về công tác cán bộ, trong đó ưu tiên một số việc như: Xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá cán bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao với kết quả sản phẩm công việc cụ thể, xuyên suốt, liên tục, nhiều chiều. Thông qua khảo sát, đánh giá, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương để làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ. Cần phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý dám nghĩ, biết làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, thành phố cần tăng cường công tác luân chuyển cán bộ giữa các khối Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền, gắn với chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với một chức danh; tiếp tục thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

Thành phố cần nghiên cứu xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ, đào tạo chuyên sâu cán bộ, công chức, viên chức trên các lĩnh vực phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; có lựa chọn, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo tương lai của thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2045. Mặt khác, cần phát huy hiệu quả của mô hình Tổ chuyên gia, Tổ công tác chuyên đề để huy động sự phối hợp của cán bộ chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, tập trung giải quyết các đề án, vấn đề bức xúc của thành phố.

Về tổ chức bộ máy, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, sở sẽ tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Sở đang chủ động chuẩn bị tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố để triển khai tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND thành phố, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu. Đồng thời, tham mưu ban hành các quy chế cụ thể, đồng bộ để làm rõ phương thức lãnh đạo, giám sát, tổ chức hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố theo hướng mở rộng phạm vi, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận và phường.

Sở Nội vụ sẽ tiếp tục vai trò cơ quan tham mưu sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tập trung vào việc triển khai quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và tái lập Văn phòng UBND thành phố; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý dự án trực thuộc UBND thành phố. Khi tiến hành nội dung này, cần sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó theo quy định của Trung ương.

Về phân cấp, giao quyền, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố tổng kết công tác phân cấp quản lý Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để rút kinh nghiệm, làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với tăng cường trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị trên một số lĩnh vực, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Qua đó, kịp thời, sửa đổi và bổ sung những quy định cụ thể về mối quan hệ công tác và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền thành phố, quận và phường theo mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, sở sẽ tham mưu việc nghiên cứu, đánh giá và cân nhắc lại việc cổ phần hóa đối với các dịch vụ công ích thiết yếu; kết hợp đẩy mạnh thực hiện công tác đặt hàng, đấu thầu, chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực tư thực hiện khi đủ điều kiện theo quy định.

SƠN TRUNG

;
;
.
.
.
.
.