Hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến thành phố thông minh

.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành công cụ cốt lõi, thúc đẩy nhanh quá trình CCHC nhằm hiện đại hóa nền hành chính và cung cấp dịch vụ công. Đây cũng là cơ sở để thành phố triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025.

Thành phố đang thí điểm ứng dụng tích hợp đa dịch vụ của nhiều ứng dụng (Danang Smart city) để người dân, doanh nghiệp tiện cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh. Trong ảnh: Người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Danang Smart city. Ảnh: TRỌNG HUY
Thành phố đang thí điểm ứng dụng tích hợp đa dịch vụ của nhiều ứng dụng (Danang Smart city) để người dân, doanh nghiệp tiện cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh. TRONG ẢNH: Người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Danang Smart city. Ảnh: TRỌNG HUY

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng chia sẻ, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước (2011 - 2020), thành phố đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng, đột phá, sáng tạo trong công tác CCHC, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ công dân và tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, 100% (19/19) mục tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra. Trong đó có các mục tiêu khó như tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử, mở rộng cơ chế liên thông, liên kết. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ từ chính quyền thành phố đến cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến thành phố thông minh, nổi bật là hệ thống “Một cửa điện tử” hiện đại tại 100% UBND quận, huyện, UBND phường, xã và tại Trung tâm Hành chính thành phố.

Theo ông Đồng, những nỗ lực về CCHC tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần đưa Đà Nẵng đạt thứ hạng cao trong đánh giá các chỉ số phát triển. Đà Nẵng luôn thuộc nhóm “rất tốt” về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (dẫn đầu từ năm 2013-2016); Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (liên tục dẫn đầu 11 năm từ 2009-2020); Chỉ số CCHC (dẫn đầu 5 năm liên tiếp 2012-2016, các năm 2017-2019 nằm trong nhóm dẫn đầu). Nhiều mô hình, cách làm mới của thành phố Đà Nẵng được Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước đánh giá cao. “Hiện đại hóa nền hành chính có thể được xem là điểm sáng nhất trong công tác CCHC thời gian qua. Từ chỗ hạ tầng kỹ thuật đơn giản, phần mềm ứng dụng còn manh mún, đầu tư dàn trải, đến nay thành phố đã cơ bản xây dựng thành công các thành tố chính của chính phủ điện tử gồm: Trung tâm dữ liệu, mạng đô thị (MAN); hệ thống kết nối không dây công cộng có 430 trạm thu phát sóng chuyên dụng phủ tại các cơ quan hành chính và các địa điểm công cộng; hệ thống thông tin chính quyền điện tử; cổng dịch vụ công và 400 phần mềm, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị phục vụ cho quản lý Nhà nước…”, ông Đồng cho biết.

Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, từ năm 2014 thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử với các hợp phần cơ bản theo chuẩn mực của Ngân hàng Thế giới gồm: Trung tâm dữ liệu, mạng kết nối dùng riêng, hệ thống Wi-Fi công cộng, trung tâm thông tin dịch vụ công, nền tảng chính quyền điện tử dùng chung bao gồm dịch vụ công trực tuyến, hệ thống văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử, liên thông… “Ở thời điểm đó, mô hình chính quyền điện tử được Đà Nẵng áp dụng đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, Chính phủ ban hành quy định chỉ đạo nhân rộng, chuyển giao cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước áp dụng thực hiện”, ông Thạch cho biết.

Từ năm 2014 đến nay, hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng tiếp tục cập nhật, bổ sung theo nhu cầu của các cơ quan, người dân như Tổng đài “Một cửa” 3881.888; Tổng đài dịch vụ công 1022 kết hợp với chatbot tự động trả lời; hệ thống nhân hộ khẩu, các cơ sở dữ liệu dùng chung như cán bộ, công chức, doanh nghiệp, công dân, các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Ông Trần Ngọc Thạch cho biết, đến cuối tháng 11-2020, cổng dịch vụ công thành phố đã triển khai đạt 95% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Trong đó 50,4% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 46%. Thành phố đạt và vượt các chỉ tiêu đưa ra của Chính phủ về chính phủ điện tử, đặc biệt đã tích hợp dữ liệu số vào cổng dịch vụ công và đã bắt đầu thí điểm sử dụng dữ liệu số (hộ khẩu, sổ đỏ,..) trong cung cấp dịch vụ công. “Một kết quả nổi bật là hiện cổng dịch vụ công thành phố sử dụng công nghệ lõi. Do đó, khi cần triển khai dịch vụ mới, chỉ cần thiết lập không quá 2 ngày là có dịch vụ. So với trước đây, phải làm hồ sơ đầu tư, hết ít nhất 200 ngày, thậm chí 1 năm mới có dịch vụ. Từ việc sử dụng công nghệ số dạng lõi này, khi Covid-19 xảy ra, để thực hiện giãn cách xã hội, 100% thủ tục hành chính đã đưa lên trực tuyến sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, bảo đảm duy trì cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp”, ông Thạch nói.

Cuối năm 2018, trên cơ sở kết quả triển khai chính quyền điện tử, thí điểm một số ứng dụng thông minh và văn bản giao nhiệm vụ, hướng dẫn của cơ quan Trung ương, UBND thành phố đã ban hành Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra các mục tiêu: Đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Qua 2 năm triển khai, đến nay nhiều ứng dụng liên quan đến điều hành và cung cấp dịch vụ công triển khai trên các điện thoại thông minh (app mobile) để thuận lợi cho người dùng như: app văn bản điều hành, app dịch vụ công, app góp ý phản ánh, app xe buýt, app cổng thông tin điện tử, app du lịch, app đỗ đậu xe… Đặc biệt, thành phố đã đưa vào thí điểm 1 app tích hợp, đa dịch vụ của nhiều ứng dụng (Danang Smart city) để người dân, doanh nghiệp cài 1 ứng dụng tích hợp, có thể dùng tất cả các dịch vụ, thông tin của thành phố.

Kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác CCHC đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong thời gian đến, việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, có chiều sâu tất cả các mặt, lĩnh vực của công tác CCHC trở thành nhiệm vụ tiên phong. Mục tiêu của thành phố đặt ra là hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

"Đến cuối tháng 11-2020, cổng dịch vụ công thành phố đã triển khai đạt 95% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Trong đó, 50,4% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 46%”.

TRỌNG HUY
 

;
;
.
.
.
.
.