Cách đây vừa tròn 55 năm, ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW về việc thành lập Ban Pháp chế Trung ương, tiền thân của Ban Nội chính Trung ương ngày nay, đã đánh dấu mốc lớn cho việc ra đời và mở đầu bước phát triển của ngành. Từ đây, công tác nội chính trở thành một nhiệm vụ quan trọng, một bộ phận khăng khít của công tác xây dựng Đảng. Ngành Nội chính Đảng luôn chủ động, sáng tạo, tham mưu đắc lực cho Đảng về các lĩnh vực mà ngành đảm nhiệm và từng bước trưởng thành.
Ban Nội chính Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ. Ảnh: P.V |
Chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển
Trong giai đoạn từ 1966 đến 1975, thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam, trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, Ban Pháp chế Trung ương đã tích cực hoạt động, đóng góp rất to lớn vào công cuộc xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN; huy động tối đa nguồn nhân tài, vật lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hoạt động của Ban Pháp chế Trung ương đã góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, dần ổn định tình hình ở miền Nam về mọi mặt.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 85-QĐ/TU ngày 20-9-1980 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ khi chính thức thành lập đến năm 1988, tuy thời gian hoạt động không nhiều, công việc còn rất mới mẻ, điều kiện hoạt động còn rất khó khăn nhưng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều chủ trương, quyết sách lớn, nhiều giải pháp quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết trong nhân dân; bảo đảm hoạt động hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan nội chính, duy trì trật tự kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế XHCN, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau chiến tranh.
Sau ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và hoạt động cho đến cuối tháng 2 năm 2003, dù là Ban Nội chính hoạt động như một Ban xây dựng Đảng hay là Ban Nội chính theo cơ chế phối hợp, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đều cử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban. Đến giai đoạn tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-8-2013 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy cử các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban. Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng hiện nay có chức năng nhiệm vụ cụ thể hơn, rộng lớn hơn so với trước đây, gồm 5 nhiệm vụ chính: nghiên cứu, đề xuất, thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; thẩm định, tham gia; phối hợp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thực hiện nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy giao. Đặc biệt, Ban Nội chính Thành ủy có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, một mặt trận rất nóng bỏng trong thời kỳ cách mạng mới và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ban Nội chính Thành ủy đã tích cực tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, lãnh đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của thành phố. Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” và các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn.
Được sự quan tâm thường xuyên của Ban Nội chính Trung ương, của Thường trực Thành ủy, sự phối hợp và giúp đỡ của các cấp ủy, các cơ quan chức năng có liên quan, Ban Nội chính Thành ủy đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác, kịp thời tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo kịp thời, sâu sát, có chất lượng và hiệu quả đến các cấp ủy Đảng, các địa phương, các ngành nội chính - tư pháp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của thành phố.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nội chính của Đà Nẵng
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Ban Nội chính Thành ủy cần tập trung tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác nội chính trong giai đoạn 2020-2025, như:
Về công tác nội chính: Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác nội chính nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Trước hết, cần chủ động hơn trong nắm thông tin, dự báo tình hình và tham mưu biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh trong đời sống kinh tế, an ninh xã hội, nhất là khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ.
Về công tác phòng, chống tham nhũng: Cần đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện nghiêm túc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định 105-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tham mưu chỉ đạo rà soát hoàn thiện công tác cải cách hành chính; tham mưu thực hiện có hiệu quả việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội định kỳ theo Hướng dẫn số 09-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.
Về công tác cải cách tư pháp: tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác thi hành án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nổi cộm, phức tạp; tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự, tổ chức cưỡng chế các vụ việc thi hành án dân sự đảm bảo an toàn, đúng quy định; chủ động tham mưu chỉ đạo thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ngành và các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Về công tác tham mưu xử lý đơn thư và tiếp công dân: Tham mưu thực hiện có hiệu quả Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, bố trí lịch tiếp công dân hằng tháng theo đúng yêu cầu; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát cấp ủy các cấp xử lý dứt điểm các đơn thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian xử lý đơn thư, tham mưu kết nối phần mềm quản lý đơn thư để liên thông đến các cơ quan khối Đảng.
Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta khẳng định là trọng trách hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp. Để thực hiện tốt công tác nội chính trong thời gian tới, cùng với Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”, mỗi cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng cần phải hội tụ đủ các yếu tố “Chủ động, tích cực, mẫu mực, vững vàng, đoàn kết” để tham mưu thực hiện tốt lời căn dặn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 đến 2019 (ngày 12-12-2020): “Mong tất cả các đồng chí hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là tập trung chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa, hiện thực hóa các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào việc xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, mến phục, lãnh đạo và tổ chức thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta”.
VÕ CÔNG CHÁNH
Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy