Phát triển văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi

.

Nhiều năm qua, tình trạng thiếu tác phẩm văn học - nghệ thuật cũng như sân chơi, môi trường sinh hoạt nghệ thuật cho thiếu nhi là vấn đề được dư luận quan tâm. Trước những khó khăn, thách thức đó, thành phố đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ, quan tâm thiết thực. Tuy nhiên, để nâng cao mọi mặt đời sống tinh thần cho thiếu nhi, không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các văn nghệ sĩ mà còn cần sự chung tay của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Bài 1: Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học thiếu nhi

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố, vấn đề sáng tác cho thiếu nhi và thiếu nhi sáng tác ngày càng được quan tâm, nhiều tác phẩm được đông đảo độc giả đón nhận. Tuy nhiên, viết cho thiếu nhi là đề tài khó, số lượng nhà văn chưa nhiều nên để nâng cao chất lượng sáng tác đáp ứng nhu cầu, yêu cầu đọc của thiếu nhi hiện nay là điều không dễ dàng.

Việc đọc sách góp phần bồi đắp tri thức và nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ em.  TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) đọc sách sau giờ học. Ảnh: Phương Minh
Việc đọc sách góp phần bồi đắp tri thức và nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ em. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) đọc sách sau giờ học. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Thiếu tác phẩm chất lượng cho thiếu nhi

Theo Nhà xuất bản Đà Nẵng, sách thiếu nhi hiện nay chủ yếu thiên về dòng dạy kỹ năng, sách khai thác từ các bản dịch nước ngoài; thiếu tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi; tác phẩm mới không thu hút khiến văn học thiếu nhi so với mảng văn học viết về các độ tuổi khác đang là một khoảng trống. Mặc dù lượng độc giả nhỏ tuổi có nhu cầu đọc rất lớn, nhưng số lượng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi luôn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Những tác phẩm quen thuộc như: “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, truyện Nguyễn Nhật Ánh, thơ Trần Đăng Khoa… là quá ít ỏi trong kho tàng văn học nước nhà. Mặt khác, về chất lượng sáng tác, nhà văn Tô Hoài từng khẳng định “Một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy”. Tuy nhiên, tuổi thơ của một em bé ngày hôm nay nhất định khác xa một em bé của mười hay mấy chục năm trước. Đồng thời, không phải nhà văn nào cũng có hiểu biết đầy đủ, khả năng thâm nhập vào thế giới tuổi thơ. Do đó, với nhu cầu đọc của thiếu nhi thay đổi liên tục, các đề tài sôi động, phù hợp thời đại được lớp trẻ­­ quan tâm hơn trở thành rào cản không nhỏ đối với các nhà văn hiện nay.

Văn học thiếu nhi Đà Nẵng cũng không nằm ngoài những quy luật trên. Trong số gần 100 nhà văn Đà Nẵng đương đại, chỉ một số ít nhà văn dành những trang viết cho thiếu nhi và có tác phẩm phẩm văn học thiếu nhi đã xuất bản như: Thanh Quế, Quế Hương, Bùi Tự Lực, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Kim Huy, Trần Trung Sáng… Đáng nói, một số nhà văn còn coi đây là mảng “tay trái” nên các tác phẩm ít đa dạng, phong phú. Nổi tiếng qua các tập truyện, thơ như “Cát cháy” (NXB Kim Đồng, 1983), “Rừng trụi” (NXB Đà Nẵng, 1987), “Hái tiếng chim”(1991)…, nhà văn Thanh Quế (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) luôn chuyển động trong đa dạng thể loại và dành tâm huyết cho bạn đọc trẻ tuổi. Tuy vậy, nhà văn Thanh Quế cho rằng, sáng tác cho thiếu nhi khó hơn sáng tác cho người lớn bởi với tâm hồn trong sáng, các em sẽ tin, học theo những điều đã nghe, đọc được và lưu giữ đến suốt đời. “Chính vì vậy, các tác phẩm viết cho thiếu nhi phải chân thật, công phu và hay, không thể có ý thức “viết tay trái” hay coi nhẹ lớp độc giả này”, nhà văn Thanh Quế chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Nguyễn Kim Huy, nhiều năm qua, nhiều nhà văn Đà Nẵng đã dành tâm huyết, nhiều tác phẩm đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi Việt Nam, được bạn đọc yêu mến. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn chỉ viết điều mình tâm đắc, ít quan tâm đến nhu cầu đọc hoặc đề tài sôi động được giới trẻ quan tâm, mảng truyện tranh thiếu nhi cũng gần như vắng bóng khiến các em ít đọc những tác phẩm văn học - nghệ thuật Đà Nẵng. Nhìn chung, văn học thiếu nhi tại địa phương chưa có nhiều tác phẩm thực sự cuốn hút. “Từ năm 2015 đến nay, văn học thiếu nhi Đà Nẵng được bổ sung các cây bút có nhiều tác phẩm dành cho tuổi học trò như Nguyễn Thị Phú với 5 tiểu thuyết, truyện dài; Lê Quốc Hưng với 2 tập truyện dành cho thiếu nhi và nghề giáo… hy vọng sẽ phần nào giải quyết được tình trạng yếu, mỏng về lực lượng sáng tác và mang lại những tác phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu, yêu cầu đọc của thiếu thi Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Kim Huy nhìn nhận.

Văn học thiếu nhi so với mảng văn học viết về các độ tuổi khác đang có một khoảng trống lớn cần lấp đầy. Trong ảnh: Không gian sách văn học tại nhà sách Fahasa Đà Nẵng.  Ảnh: XUÂN DŨNG
Văn học thiếu nhi so với mảng văn học viết về các độ tuổi khác đang có một khoảng trống lớn cần lấp đầy. TRONG ẢNH: Không gian sách văn học tại nhà sách Fahasa Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Bồi dưỡng, phát huy sáng tác trẻ

Theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thanh phố Huỳnh Viết Tư, hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã mang đến không ít thách thức đối với nền văn học, đặc biệt là với văn học thiếu nhi. Trong đó, sự xuất hiện của các thể loại sách điện tử, nhiều chương trình giải trí, kể cả trò chơi độc hại trên mạng xã hội đã phần nào làm giảm đi hứng thú của trẻ nhỏ đối với sách viết về thiếu nhi truyền thống. “Để có được nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng, bên cạnh việc khuyến khích các nhà văn có thành tựu tiếp tục quan tâm đến mảng đề tài viết về trẻ em, chúng ta cần có thêm chính sách thu hút, bồi dưỡng các nhà văn trẻ, đặc biệt là các em có năng khiếu ngay từ nhỏ, bởi đây chính là những người sẽ viết hay nhất về thế hệ mình”, ông Huỳnh Viết Tư chia sẻ.

Thực tế, nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố có nhiều hoạt động thiết thực trong việc xây dựng, đào tạo phong trào sáng tác trẻ qua việc phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo mở các trại hè sáng tác văn học - mỹ thuật hằng năm cho các em học sinh trên địa bàn thành phố. Các trại hè sáng tác đã khơi dậy tinh thần sáng tác văn học, nghệ thuật ở lứa tuổi thiếu nhi. Đơn cử Trại hè sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng năm 2019 đã có một mùa bội thu với 25 tác phẩm văn học của 14 trại viên học sinh THCS và THPT. Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm có sự phong phú, đa dạng về đề tài, tiếp cận đến nhiều vấn đề lớn, rộng của xã hội. Các truyện ngắn, bút ký, tản văn được học sinh diễn đạt với văn phong nhuần nhuyễn, ngôn từ cảm xúc, có hồn và lôi cuốn người đọc.

Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Nguyễn Kim Huy đánh giá, đọc những trang viết Trại hè sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi hằng năm, tin rằng, con đường văn chương trẻ rất rộng mở. Nếu ngọn lửa tình yêu, niềm say mê sáng tác văn học của thiếu nhi được phát triển đúng hướng sẽ khắc phục được tình trạng mỏng về lực lượng sáng tác cho thiếu nhi tại địa phương. “Thời gian đến, chúng tôi có kế hoạch tổ chức Hội nghị Nhà văn trẻ lần thứ hai tại Đà Nẵng với hy vọng sẽ tạo nên một bước đột phá trong phong trào sáng tác trẻ hiện nay. Hội Nhà văn Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra những tác phẩm phù hợp hơi thở thời đại, để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc, từng bước khẳng định và làm phong phú diện mạo văn học dành thiếu nhi tại địa phương”, ông Nguyễn Kim Huy cho hay.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Nguyễn Thị Hội An cho biết, thiếu nhi luôn là một đối tượng quan trọng mà sở hướng đến trong nhiều năm qua. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Văn hóa và Thể thao luôn đồng hành, hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực văn học thiếu nhi nói riêng và văn học - nghệ thuật nói chung. Trong lĩnh vực văn học, sở đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động liên quan đến thiếu nhi như cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, hội thi kể chuyện theo sách hằng năm… “Trong thời gian đến, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động, chương trình có quy mô cho thiếu nhi. Về yếu tố con người, chúng tôi hy vọng lực lượng sáng tác luôn dành tâm huyết, liên tục cập nhận xu hướng, hơi thở thời đại trong những tác phẩm góp phần định hướng tư tưởng, bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho thế hệ tương lai của đất nước”, bà Nguyễn Thị Hội An cho hay.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích