Tái khởi động dự án Làng Đại học Đà Nẵng: Người dân phấn khởi

.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, với tổng diện tích 286,5 ha; trong đó có 96,5ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng vì nhiều lý do, gần 23 năm qua, dự án vẫn “án binh bất động”. Tuy nhiên, sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự án đã được tái khởi động trong năm 2020.

Những hộ dân ở phường Hòa Quý sống trong vùng quy hoạch của dự án Làng Đại học Đà Nẵng đều mong muốn sớm được giải tỏa. Trong ảnh: Nhiều nhà dân ở tổ 59, phường Hòa Quý xuống cấp nhưng không thể xây mới do vướng quy hoạch. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Những hộ dân ở phường Hòa Quý sống trong vùng quy hoạch của dự án Làng Đại học Đà Nẵng đều mong muốn sớm được giải tỏa. TRONG ẢNH: Nhiều nhà dân ở tổ 59, phường Hòa Quý xuống cấp nhưng không thể xây mới do vướng quy hoạch. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Người dân mong sớm được giải tỏa

Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, cuối năm 2019, thông tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai dự án Làng Đại  học Đà Nẵng (ĐHĐN) khiến hàng trăm hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án này rất phấn khởi, bởi sắp hết cảnh “đi không được, ở chẳng xong”. Bà Võ Thị Thắm ở khối phố Hải An (phường Hòa Quý) thuộc diện giải tỏa trắng, với diện tích 1.800m2 đất ở và 5 sào ruộng. Sau khi được chính quyền địa phương gặp gỡ, đối thoại, bà Thắm rất vui mừng khi nhận tiền đền bù phần đất nông nghiệp với mỗi sào ruộng là 160 triệu đồng. “Đối với diện tích đất và nhà ở gồm 1.800m2 hiện cũng được thành phố kiểm định xong. Giờ chỉ mong Nhà nước áp giá đền bù và bố trí đất tái định cư để người dân sớm có chỗ ở mới, ổn định cuộc sống”, bà Thắm vui vẻ nói.

Cũng như bà Thắm, khi dự án Làng ĐHĐN được tái khởi động trở lại đã mang đến niềm vui lớn cho  hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh sống chung với quy hoạch “treo” gần 23 năm qua. Chị Phạm Thị Thủy (tổ 59, phường Hòa Quý) cho biết, những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” của dự án có những khó khăn nhất định, nhà cửa xuống cấp... “Bây giờ dự án được triển khai, dân mừng lắm. Nhà cửa, đất đai cũng kiểm định hết rồi, chỉ mong sớm nhận được tiền đền bù và chuyển đến nơi tái định cư”, chị Thủy cho hay.

Ông Thái Quang Hồng, cán bộ địa chính phường Hòa Quý chia sẻ, sau khi có chủ trương tái khởi động lại dự án Làng ĐHĐN, chính quyền các cấp của thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời sẵn sàng tiếp thu nguyện vọng chính đáng của dân nên đến nay phần lớn các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án đã đồng thuận và sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Theo ông Hồng, qua rà soát, hiện trên địa bàn phường có 620 hồ sơ (kể cả đất nông nghiệp và nhà ở) nằm trong diện phải giải tỏa để triển khai dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới kiểm định và chi trả tiền đền bù được 190 hồ sơ đất nông nghiệp của hộ dân, 37 hồ sơ liên quan đến đất, nhà, cây cối… mặc dù đã được kiểm định xong nhưng hiện vẫn chờ thành phố áp giá đền bù.

Tập trung giải phóng mặt bằng 

Theo ông Huỳnh Kim, dự án Làng ĐHĐN triển khai trên địa bàn phường có khoảng 170 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án, đa số tập trung khu dân cư Hải An và Hải An 1. “Cũng vì dự án “treo” kéo dài trong suốt gần 23 năm qua, nên người dân trên địa bàn phường gặp rất nhiều khó khăn vì đường sá không thể đầu tư xây dựng, nhà cửa không được cơi nới, mở rộng, khó chia tách lập hộ...  Để giải quyết những bức xúc, những năm qua, quận cho người dân trong vùng quy hoạch xây dựng nhà 50m2 để sống tạm. Tuy nhiên, khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo tái khởi động làng đại học thì quận cũng đã lập tức cấm luôn việc này”, ông Kim nói.

Theo lãnh đạo ĐHĐN, đây là dự án đã kéo dài, nằm trên 2 địa phương Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nên thủ tục đầu tư còn phức tạp. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư cho người dân vùng dự án. “ĐHĐN đã đề xuất 2 phương án để bố trí tái định cư nhằm kịp thời triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, phương án 1, Đà Nẵng sẽ xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án từ nguồn kinh phí của địa phương và thành phố sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này. Phương án 2, Đà Nẵng sẽ sử dụng các khu tái định cư mà thành phố đã xây dựng để thực hiện tái định cư chung cho các dự án khác nhau nhằm bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án từ nguồn kinh phí của thành phố”, Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

Ngày 9-7-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng ĐHĐN tỷ lệ 1/2000. Vị trí, phạm vi ranh giới quy hoạch thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với quy mô diện tích đất 300 ha, gồm 110 ha thuộc thành phố Đà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam; với tổng số khoảng 60.000 sinh viên. Tiếp đó, ngày 21-7-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1060/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của UBND thành phố cho biết, đến nay đã hoàn thành giải phóng gần 39ha phần đất quy hoạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tiếp tục giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại là hơn 71ha.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích