Cầu quốc thái, dân an từ tâm

.

Do tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong và sau tết trên địa bàn thành phố đều được yêu cầu tạm dừng hoặc chỉ tổ chức phần nghi thức với số lượng người tham gia hạn chế. Hầu hết người dân, đồng bào có đạo trên địa bàn thành phố đều chung nhận thức cầu quốc thái, dân an, gia đình an lạc từ tâm thức của mình chứ không nhất thiết phải lễ hội rình rang để phòng, chống dịch.

Như mọi miền đất nước, sau Tết nguyên đán, thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều lễ hội tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thể hiện nét đẹp bản sắc văn hóa của người Việt đã lưu giữ, duy trì hàng ngàn năm qua. Đà Nẵng có hàng chục lễ hội đình làng, lễ hội ngành nghề sau Tết, đặc biệt là Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia là sự kiện văn hóa tôn giáo hàng năm thu hút hàng ngàn du khách và người dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố cũng có những nghi lễ thu hút đông đảo tín đồ tham gia. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong và sau Tết đều mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên, người có công với quê hương, đất nước; cầu quốc thái dân an, gia đình an lạc; bày tỏ đức tin tôn giáo… Bên cạnh nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo còn có phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo nên một khí thế phấn khởi đầu năm trong tâm thế người dân, đạo hữu. Những giá trị tích cực của lễ hội cổ truyền, hoạt động tôn giáo là góp phần cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giúp con người hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, bảo tồn văn hóa, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Qua đó, góp phần định vị bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của đợt bùng phát Covid-19 không cho phép các hoạt động lễ hội cổ truyền tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra như trước đây nhằm tránh để dịch lây lan mất kiểm soát. Trước Tết, Thành ủy đã ban hành Công văn số 290-CV/TU ngày 28-1-2021 chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, các lễ hội, nhất là các hoạt động trước và trong dịp Tết.

Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương của thành phố đã triển khai thực hiện chỉ đạo này. Theo báo cáo sau Tết của Ban Tôn giáo thành phố, Sở Văn Hóa-Thể thao, các địa phương, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc chủ trương phòng, chống Covid-19 của thành phố. Các lễ hội tín ngưỡng cổ truyền, nghi thức tôn giáo đều được yêu cầu chỉ tổ chức phần nghi thức và hạn chế đông người tham dự, hủy bỏ phần hội.

Phần lớn những người đi viếng chùa đầu năm đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Giáo phận Đà Nẵng hủy lịch hành hương thường lệ về Núi Sọ, đồng thời có văn bản yêu cầu toàn thể giáo dân thực hiện tốt phòng, chống Covid-19 và hủy bỏ một số hoạt động gặp mặt cuối năm. Năm 2021 cũng là năm thứ hai, quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục tạm dừng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm. Cùng với khuyến cáo, hướng dẫn, chính quyền cơ sở tổ chức giám sát đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Có thể nói thông qua công tác tuyên tuyền mà nhận thức của nhân dân nói chung và trong đồng bào có đạo trên địa bàn thành phố về phòng, chống Covid-19 hiện nay rất tốt, rất nghiêm túc. Mùa lễ hội năm nay thiếu vắng những đám đông trùng phùng gặp mặt; những hoạt động hội hè đông vui, sôi nổi nhưng trong tâm tưởng mỗi người dân, mỗi đạo hữu luôn cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa đối với thành phố; cầu quốc thái dân an; nhà nhà bình an, hạnh phúc. Đó là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa.

CHU VĂN

;
;
.
.
.
.
.