Chính trị - Xã hội

Mô hình du lịch trải nghiệm đầu tiên ở Hòa Khương

08:31, 23/02/2021 (GMT+7)

Vợ chồng ông Trần Hồng Quảng và bà Trần Thị Trúc (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) bền bỉ phấn đấu vượt khó làm giàu chính đáng, trở thành hộ nông dân đầu tiên ở Hòa Khương kết hợp làm kinh tế trang trại với du lịch trải nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả cao, nhiều lần được chọn báo cáo điển hình về gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Bà Trần Thị Trúc (vợ ông Quảng) đang cho cá ăn.   					              Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Bà Trần Thị Trúc (vợ ông Quảng) đang cho cá ăn. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Đến trang trại của vợ chồng ông Quảng, bà Trúc, chúng tôi thấy rộn rã khách tham quan đang hào hứng chụp ảnh, tham quan hồ cá và trải nghiệm thú vui câu cá. Các bờ hồ cá được xây gạch kiên cố, chung quanh có lối đi bằng phẳng và đặt sẵn nhiều ghế tựa phục vụ khách ngồi câu cá. Trong hồ nuôi nhiều loại cá như ba sa, diêu hồng, chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ. Giá dịch vụ mỗi lần du lịch trải nghiệm nơi đây là 20.000 đồng/người. Du khách có thể mua cá mình câu được theo nhu cầu với giá từ 50.000-110.000 đồng/kg tùy từng loại cá. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Võ Tấn Linh, đây là mô hình kinh tế trang trại kết hợp làm du lịch trải nghiệm đầu tiên trên địa bàn xã.

Trang trại của vợ chồng ông Quảng rộng hơn 15.000m2. Đầu năm 2020, vợ chồng ông Quảng đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hai hồ cá lớn phục vụ du lịch trải nghiệm và kinh doanh ẩm thực phục vụ du khách. Ông Quảng cho biết, bước đầu trang trại cũng đã thu hút nhiều du khách. Các ngày thứ Bảy, Chủ nhật luôn nhộn nhịp khách tham quan đến đây tận hưởng không khí trong lành, trải nghiệm thú vui câu cá, chụp ảnh lưu niệm và liên hoan trong khung cảnh đồi núi hoang sơ.

Sinh trưởng ở vùng trung du, đất rộng nhưng cằn cỗi, mỗi vụ thu hoạch chỉ mong đủ ăn cho đến giáp vụ sau, từ đó, ông Quảng nỗ lực học hỏi, vận dụng, nghiên cứu phương thức làm ăn mới, quyết tâm vượt khó làm giàu ngay trên  quê hương. Năm 2011, sau khi dự lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân huyện Hòa Vang tổ chức, ông quyết định cải tạo 7.000m2 đất trồng lúa năng suất thấp thành ao nuôi cá nước ngọt. Ông làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, đầu tư nuôi 5.000 con cá giống các loại. Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật về xử lý đáy ao, vệ sinh môi trường nước và chung quanh ao, đồng thời cho cá ăn theo đúng hướng dẫn, vụ cá đầu tiên, ông lãi hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy nuôi cá đạt hiệu quả cao, ông Quảng tiếp tục mở rộng ao nuôi, nâng tổng diện tích nuôi cá lên hơn 10.000m2.

Vợ chồng ông Quảng đã xây dựng hệ thống lưu chuyển nước ra vào hồ cá thường xuyên và điều chỉnh mực nước trong các hồ từ 1,5-1,8 mét. Nơi đây không bị lũ lụt và có nguồn nước ngọt từ hồ Đồng Nghệ, thuận lợi cho việc nuôi cá. Ông Quảng đang ấp ủ dự định đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục phục vụ khách tham quan như lắp đặt bàn ghế đá trên bờ hồ để du khách vừa câu cá, vừa thưởng thức cà phê, trái cây và các đặc sản địa phương. “Bước đầu, trang trại đạt mức lãi gần 500 triệu đồng/năm, trong đó, hiệu quả hoạt động du lịch trải nghiệm ngày càng tăng”, ông Quảng hồ hởi.

Mặt khác, vợ chồng ông Quảng luôn nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân. Ai đến trang trại tìm hiểu kiến thức nuôi cá nước ngọt và nuôi heo đều được ông hướng dẫn tỉ mỉ. Nhiều hộ nghèo ở địa phương còn được vợ chồng ông cho mượn vốn và hỗ trợ cá giống để nuôi. Đặc biệt, mỗi năm ông Quảng tự nguyện giúp đỡ từ 2 - 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương...

Thời gian qua, vợ chồng ông Quảng đã được nhiều cơ quan khen thưởng, nhiều lần được công nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp. Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, vợ chồng ông Quảng giỏi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi, nhiệt tình hướng dẫn cách làm ăn cho bà con nông dân, có nhiều đóng góp giúp ích cộng đồng, là gương điển hình trong phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

LÊ VĂN THƠM

.