Chính trị - Xã hội

Phá bỏ rào cản tự ti, mặc cảm

14:11, 20/02/2021 (GMT+7)

Ngày 17-10-2019, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai Mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị ma túy tại 6 phường trên địa bàn thành phố trong năm 2020. Mô hình là cơ hội để những người lỡ “nhúng chàm” sớm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Các đối tượng cai nghiện tham gia sinh hoạt định kỳ do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức vào tháng 12-2020. Ảnh: T.V
Các đối tượng cai nghiện tham gia sinh hoạt định kỳ do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức vào tháng 12-2020. Ảnh: T.V

Tròn một năm kể từ ngày ông L.V.B, trú phường Bình Thuận (quận Hải Châu) đến Công an phường để “thú nhận” con trai mình bị nghiện, thế nhưng, đến bây giờ ông vẫn còn nhớ rõ cảm giác tự ti, chua xót: “Trước đây Công an khu vực có lưu ý gia đình cần quan tâm hơn con trai của mình vì cháu hay theo bạn bè hư, lang thang ngoài đường. Thế nhưng, thay vì thừa nhận thực tế, tôi lại cố gắng giải thích là con mình vẫn ngoan. Để rồi một ngày tôi nhận tin nhắn của Công an khu vực báo con mình vừa bị phát hiện sử dụng ma túy. Hết cách, tôi phải đến gõ cửa Công an phường nhờ giúp đỡ. Nhờ vậy mà con tôi được giới thiệu tham gia Mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, cả gia đình và con trai tôi được tư vấn, giúp đỡ điều trị cắt cơn tại Trung tâm Y tế quận nên giảm bớt cảm giác thèm thuốc”.

Trường hợp của anh B.V.T ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) cũng khá may mắn khi thường xuyên được đến Trung tâm Y tế quận để cắt cơn, giải độc ma túy trong suốt năm qua. Tâm sự với chúng tôi quá trình cai nghiện tại cộng đồng, anh bộc bạch: “Cái khó của những người nghiện như chúng tôi là tâm lý tự ti, lo sợ khi tiếp xúc với các cơ quan chức năng. May mắn, tôi được cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phường đến động viên, giải thích nên tôi mới dám đến UBND phường đăng ký cai nghiện”.

Mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị ma túy trên địa bàn thành phố năm 2020 được triển khai thí điểm ở 6 phường: Hải Châu 2, Thuận Phước, Bình Thuận (quận Hải Châu); Vĩnh Trung, Thanh Khê Đông, Tam Thuận (quận Thanh Khê). Mô hình là sự “bắt tay” của ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH), chính quyền các địa phương và công an, y tế, tư pháp để bảo đảm kết nối các khâu từ phát hiện, tư vấn, điều trị cắt cơn, hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan... Đặc biệt, mô hình chú trọng đến công tác phát hiện sớm, tư vấn, hỗ trợ, động viên để người nghiện tự tin và hợp tác tốt trong suốt quá trình cai nghiện tại cộng đồng.

Năm qua, các lực lượng chức năng từng bước hoàn thiện mô hình trên. Mục tiêu từng bước nhân rộng ra tất cả phường, xã trên toàn thành phố vào năm 2021; hướng đến 100% người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy có nhu cầu hỗ trợ tư vấn, pháp lý, điều trị nghiện ma túy, học nghề, vay vốn, giải quyết việc làm được tiếp nhận sàng lọc hỗ trợ. Kết quả trong năm 2020, do ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều hoạt động phải tạm dừng, nhất là công tác kết nối tạo sự tự tin cho người nghiện gặp nhiều khó khăn do thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Dù vậy, tại 6 phường được chọn triển khai thí điểm, có 132 đối tượng đăng ký tham gia. Qua đó các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện được 604 lượt tư vấn, chuyển 19 đối tượng đến các trung tâm y tế cắt cơn giải độc, đưa 2 đối tượng khác đi Bệnh viện Tâm thần thành phố điều trị và giới thiệu một đối tượng đến Trung tâm Y tế điều trị bằng liệu trình Methadone...

Theo bà Phạm Thị Sen, Phó chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Ngoài việc bị ảnh hưởng do Covid-19 thì trở ngại lớn nhất của công tác này chính là tâm lý tự ti, né tránh của các đối tượng cũng như gia đình. Theo đó, nhiều gia đình cố giấu việc người thân của mình bị nghiện nên công tác giải độc, cắt cơn gặp nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho rằng, để mô hình thực sự phát huy được hiệu quả trong thời gian đến cần tháo gỡ nút thắt tâm lý tự ti, né tránh của người nghiện; đồng thời cộng đồng cần đồng hành, động viên chứ không nên giữ khoảng cách với họ. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành cũng bị ảnh hưởng nhiều do đến nay thành phố vẫn chưa ban hành các văn bản liên ngành để mô hình được triển khai thuận lợi.

Đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia mô hình hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm, không đủ thời gian sâu sát công việc cũng như thiếu kỹ năng trong việc tiếp cận tư vấn, hỗ trợ cho đối tượng. Đặc biệt là trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế phục vụ cho công tác cắt cơn, giải độc, cai nghiện còn thiếu thốn, chưa thể thực hiện đúng quy trình cai nghiện theo quy định, nên hiệu quả cai nghiện chưa cao. Tháo gỡ được những khó khăn này thì mô hình mới đem lại kết quả mong đợi để từ đó từng bước hoàn thiện, nhân rộng ra các phường, xã khác.

THANH VÂN

.