Chính trị - Xã hội

Tập trung ổn định sản xuất, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh sau Tết

08:56, 20/02/2021 (GMT+7)

Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác phòng, chống Covid-19 diễn ra chiều 19-2, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh quán triệt tinh thần cảnh giác, tập trung cao độ, tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Việc tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán là hết sức cần thiết trên cơ sở bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch, nhất là khi người dân trở lại thành phố để sinh sống, học tập và làm việc.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống Covid-19 chiều 19-2. Ảnh: P.C
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống Covid-19 chiều 19-2. Ảnh: P.C

Không chủ quan

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh hoan nghênh các sở, ban, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân đón Tết an toàn, vui tươi. “Việc Đà Nẵng không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng vào thời điểm Tết Nguyên đán là nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa dừng lại, cần tập trung nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19 sau Tết”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, việc các nhà máy, xí nghiệp đón số lượng lớn công nhân, người lao động từ ngoại tỉnh trở lại thành phố làm việc tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chính vì thế, UBND thành phố đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp, ngành y tế cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.

“Yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi… lập danh sách người lao động rời khỏi địa phương và trở về Đà Nẵng làm việc sau dịp Tết Nguyên đán, bao gồm địa chỉ cụ thể nơi từng lưu trú, làm việc tại địa phương khác. Nếu phát hiện các trường hợp về từ vùng dịch mà chưa khai báo y tế với cơ quan chức năng hoặc thuộc diện phải cách ly y tế thì thông báo ngay cho Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xử lý, can thiệp phù hợp theo quy định”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo.

Để khoanh vùng, xác định nguy cơ lây nhiễm và kịp thời có biện pháp ứng phó phù hợp, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát, lấy mẫu ngẫu nhiên (10-20%) để xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ các địa phương có ca mắc tại cộng đồng, các địa phương có nguy cơ; các trường hợp có yếu tố nguy cơ tại Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 19-2, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ký, ban hành công văn số 932/UBND-SYT gửi các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện về việc triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 sau Tết. “Đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, cụ thể nội dung này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Tiếp tục lấy mẫu, rà soát người về từ vùng dịch

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, ngành y tế thành phố đang tiếp tục duy trì các biện pháp cần thiết, chú trọng rà soát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các công dân trở về từ vùng dịch. Tính đến trưa 19-2, ngành y tế đã rà soát 999 trường hợp trở về từ Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương có ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm 1-3 lần với SARS-CoV-2. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch và hoạt động chuyên môn, ngành y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế tại tất cả các đơn vị y tế, bệnh viện trên địa bàn. Hiện tại chưa phát hiện trường hợp dương tính.

Theo nhận định của ngành y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương khi có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay lực lượng công an vẫn chủ trì thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra vào thành phố tại các điểm chốt chặn. Theo đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố, tính đến ngày 19-2, lực lượng công an kiểm soát 9.000 phương tiện với 34.000 người ra vào thành phố tại 14 điểm chốt chặn. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo công an thành phố, việc kiểm soát tại các điểm chốt chặn vẫn chưa thực sự quyết liệt và vẫn còn nhiều kẽ hở, không bảo đảm hoàn toàn việc kiểm soát dịch bệnh.

“Lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra, thực hiện khai báo y tế đối với các phương tiện có biển số đến từ các địa phương có ca nhiễm Covid-19 nên chắc chắn vẫn có những trường hợp đi vào thành phố mà không khai báo. Chính vì thế, chúng tôi đề nghị việc tổ chức khai báo y tế công dân cần được thực hiện đồng loạt và nhiều đơn vị, địa phương cùng thực hiện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm cụ thể để tăng tính răn đe”, Đại tá Trần Đình Chung cho biết.

Liên quan đến hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, việc kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 vẫn được thực hiện trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc khuyến cáo và hướng dẫn tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

“Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm các sở, ngành, đơn vị liên quan để Ban Quản lý cùng tham gia và tiến hành kiểm tra cụ thể từng nội dung trong công tác phòng, chống dịch. Nếu đơn vị nào làm sai, chưa tuân thủ quy định thì xử lý nghiêm để làm gương cho các đơn vị khác”, ông Trần Văn Biên, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đề xuất.

Các trường hợp đến, về Đà Nẵng phải cách ly và xét nghiệm

Tại Công văn số số 932/UBND-SYT ngày 19-2, UBND thành phố quy định cụ thể các trường phải cách ly, xét nghiệm khi từ các địa phương khác về Đà Nẵng. Theo đó, các trường hợp là F1 sẽ được cách ly tập trung đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân và được xét nghiệm 2 lần. Những người trong vòng 14 ngày từng đến, về từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, khu vực đang phong tỏa trên cả nước sẽ được cách ly tập trung đủ 14 ngày từ thời điểm rời khỏi địa phương và thực hiện xét nghiệm 2 lần.

Ngoài ra, người trong vòng 14 ngày từng đến, về từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các xã, phường trên cả nước có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trong vòng 14 ngày, các khu vực có ổ dịch đang hoạt động hoặc đi qua các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn (không phải là trường hợp F1 và không nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách) sẽ thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày từ khi rời khỏi địa phương và xét nghiệm 2 lần… Đối với người người từng đến, về từ các địa phương, ổ dịch đang hoạt động, địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khai báo đã rời khỏi địa điểm hơn 14 ngày, các địa phương chưa ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng thì tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương.

PHAN CHUNG

.