Thị trường lao động cuối năm: Lao động thời vụ im ắng, bán hàng online sôi động

.

Thông thường, thị trường lao động thời vụ rất sôi nổi trong tháng trước Tết Nguyên đán. Năm nay, cận Tết nhưng thị trường lao động thời vụ vẫn khá im ắng. Trong khi đó, hình thức kinh doanh trực tuyến (online) lại tạo ra khá nhiều việc làm.

Hình thức kinh doanh online thu hút khá nhiều lao động trẻ dịp Tết năm nay, nhất là các dịch vụ giao hàng tận nhà. Ảnh: THANH VÂN
Hình thức kinh doanh online thu hút khá nhiều lao động trẻ dịp Tết năm nay, nhất là các dịch vụ giao hàng tận nhà. Ảnh: THANH VÂN

Mọi năm, tầm vài tuần trước Tết, trên các tuyến đường kinh doanh lớn của thành phố như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn..., hàng quán nào cũng treo bảng tuyển nhân viên làm thời vụ. Năm nay, rất hiếm thấy tấm bảng tuyển người như vậy. Giải thích về điều này, bà Huỳnh Bảo Trâm, chủ cửa hàng bán hàng tơ lụa trên tuyến đường Phan Châu Trinh cho hay: Mọi năm, từ trước Tết Dương lịch một tháng, cửa hàng đã tuyển 2 nhân viên làm việc cho đến 29, 30 Âm lịch mới nghỉ. Mặt hàng tơ lụa được du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích. Năm nay, do Covid-19 nên hầu như không có khách đến mua hàng. Tình hình buôn bán ế ẩm nên vợ chồng bà tự làm hết tất cả công việc, không cần tuyển thêm nhân viên.

Từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) ra Đà Nẵng gần 10 năm nay, chị Lê Thị Hà khá ổn định với việc bán rau tại các khu dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà, chồng chạy xe taxi. Riêng tháng cuối năm, chị chỉ bán buổi sáng, buổi chiều nhận dọn dẹp nhà cửa cho một số người quen. Nhờ vậy, chị có được khoản thu nhập khá trong tháng gần Tết. Tuy nhiên, năm nay tình hình lại hoàn toàn thay đổi do không ai nhờ dọn nhà. Chị Hà liên lạc với những gia đình quen để đặt vấn đề dọn nhà đón Tết, thế nhưng, ai cũng lắc đầu cho biết, năm nay khó khăn quá nên sẽ tự dọn.

Tại các chợ lớn của thành phố như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa..., nơi hằng năm thu hút rất nhiều lao động thời vụ, năm nay cũng khá im ắng. Hầu hết tiểu thương cho biết, dù đã sát Tết nhưng nhu cầu mua sắm của người dân khá thấp. Đặc biệt không có khách du lịch nên lượng khách đến thưa vắng. Nếu gọi thêm người giúp việc thì sẽ không có lời.

Trái ngược với thị trường lao động thời vụ “truyền thống” khá im ắng, năm nay thị trường lao động bán hàng online lại có phần sôi động hơn. Năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, đặc biệt khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch trong tháng 7, cả thành phố phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, điều này đã thúc đẩy hình thức bán hàng online phát triển mạnh. Theo anh Trần Trọng Nguyên, cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế, một người khá thành công từ năm thứ 2 đại học nhờ kinh doanh hàng online, đây là xu thế tất yếu.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay lĩnh vực này sẽ phát triển hơn nữa. Những tháng cận Tết, công việc thuận lợi hơn khi anh nhận được khá nhiều hợp đồng cài đặt các ứng dụng bán hàng trực tiếp, cũng như giới thiệu lao động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh online. “Chỉ tính riêng trong tháng 12-2020 và nửa đầu tháng 1-2021, tôi đã giới thiệu cho gần 20 sinh viên các trường đại học trên địa bàn có việc làm”, anh Nguyên nói.

Đặc biệt, Tết năm nay cũng ghi nhận người lao động trẻ, nhất là sinh viên năng động tự tạo việc làm cho mình bằng cách tổ chức bán hàng qua mạng. Hiện ở Đà Nẵng có khá nhiều nhóm sinh viên chung vốn, mua hàng về giới thiệu trên nền tảng các mạng xã hội, kiêm luôn vai trò giao dịch và cả giao hàng.

Theo nhóm bạn Trương Văn Bình, Lê Thị Thùy Linh và Bùi Tấn Anh (sinh viên Trường Cao đẳng Phương Đông), với việc kinh doanh hàng đặc sản ở quê hương Tây Nguyên, ban đầu nhóm chỉ có 3 người thì đến nay đã nhận thêm 4 bạn cùng trường bởi công việc không xuể. Nhóm cho biết, chỉ riêng Trường Cao đẳng Phương Đông đã có 4-5 nhóm sinh viên tham gia kinh doanh như vậy, tạo việc làm bán thời gian, thu nhập khá cho nhiều sinh viên trong trường.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích