Hành trình của bản lĩnh và khát vọng

.

Trong những hành trang vô cùng quý giá để người Đà Nẵng bước vào thời kỳ phát triển mới của lịch sử đương đại, ngày 29 tháng Ba năm 1975 được coi là một mốc son chói lọi. Đó là ngày mà lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta tung bay trên nóc Tòa thị chính, đánh dấu sự kiện trọng đại: Thành phố Đà Nẵng đã được hoàn toàn giải phóng.

Từ cột mốc lịch sử vẻ vang ấy, thành phố chúng ta đã bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh thuận lợi của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, nhưng đồng thời cũng đầy những khó khăn thách thức, đòi hỏi bản lĩnh và niềm tin, ý chí và khát vọng của tất cả những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, và cả những người chọn nơi này để sống và cống hiến.

Từ cột mốc 29 tháng Ba năm 1975, Đà Nẵng đã có thêm những dấu mốc lịch sử mới trong quá trình phát triển của mình. Ý thức được trách nhiệm, sự tri ân và tình cảm sâu nặng với những người đã hy sinh đồng thời cũng là trách nhiệm với thế hệ kế tiếp, những năm đầu sau giải phóng, cả hệ thống chính trị mới được kiện toàn sau chiến tranh đã huy động toàn lực của các tầng lớp nhân dân thành phố vượt qua gian nan, thử thách, ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Trong một thời gian ngắn, từ một căn cứ quân sự khổng lồ,  một thành phố tiêu thụ, Đà Nẵng trở thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm dịch vụ, một cửa ngõ giao thông quốc tế quan trọng. Với những thành tựu đạt được sau 12 năm phấn đấu không mệt mỏi của toàn đảng bộ, của quân và dân thành phố, ngày 1-1-1997, Đà Nẵng đã được Đảng và Nhà nước xác lập vị trí là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Đây là dấu mốc mới, rất quan trọng, tạo cho thành phố cơ hội và vị thế mới để phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, là tiền đề mang tính quyết định để Đà Nẵng bứt phá đi lên.

Và thực tế nhiều năm sau này đã chứng minh cho điều đó. 6 năm sau, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145 công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Cũng năm đó, ngày 19-9-2003, tập thể Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã trực tiếp vào thăm và làm việc với thành phố, tiếp đó đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đúng 15 năm sau, ngày 13-12-2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị (khóa IX) và sau đó đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điểm lại những cột mốc trên để thấy rõ sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và của cả nước đối với vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong thời kỳ Đổi mới đất nước, nhưng điều quan trọng hơn, là trong mỗi cột mốc ấy đều mang dấu ấn của bản lĩnh và khát vọng của người Đà Nẵng, quyết tâm bứt phá vươn lên, tìm ra những giá trị mới, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, đồng thời dự phóng một cái nhìn về tương lai thành phố trong thế kỷ XXI.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua trong thế kỷ XX, người Đà Nẵng đã dành biết bao thời gian và công sức, nhân lực, vật lực, tài lực cho sự nghiệp chiến đấu chống kẻ thù ngoại xâm, hết thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ! Cộng lại độ dài thời gian là 30 năm. Thời gian của xương máu, hy sinh.

Nhìn lại năm tháng, có thể vẫn có thoáng bất ngờ, khi quãng thời gian sống trong hòa bình xây dựng quê hương đã là bốn mươi sáu năm! Một khoảng thời gian không phải là quá dài trong lịch sử thành phố, nhưng cũng không phải là quá ngắn cho những ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố được hiện thực hóa.

Vậy, Đà Nẵng làm gì để phát triển xứng đáng với tiềm năng và vị thế của mình, với sự tin cậy giao phó của cả nước? Đà Nẵng cần làm gì để trở thành một thành phố giàu mạnh, văn minh, hiện đại? Câu trả lời nằm ở chỗ phải biết khơi dậy mạnh mẽ bản lĩnh và khát vọng của con người Đà Nẵng, từ những người lãnh đạo đến từng người dân, ở từng hoàn cảnh sống và vị trí xã hội của mình.

Phải biến nhưng suy nghĩ, những dự cảm, những lời nói thành hành động cách mạng, huy động sức mạnh vật chất và tinh thần, mọi nguồn lực trí tuệ trong nhân dân, tạo nên sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của mỗi người dân. Và những thành công hôm nay đã cho phép thành phố khẳng định một lần nữa một bài học lớn, đó là bài học phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; khẳng định thành quả lớn lao nhất, cái được lớn nhất là được lòng dân.

Trong những ngày này, khi nghĩ về những giá trị truyền thống mà thế hệ 29 tháng Ba năm 1975 để lại, chúng ta càng thấm thía với ý nghĩa của hai cụm từ  bản lĩnh và khát vọng. Không phải hôm nay chúng ta mới nói nhiều đến khát vọng, mà suốt 30 năm chiến tranh, rồi 46 năm xây dựng và phát triển thành phố, khát vọng luôn là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần giúp chúng ta vượt lên biết bao thử thách khắc nghiệt. Khát vọng độc lập tự do, khát vọng giải phóng đất nước, giải phóng quê hương. Khát vọng chiến thắng đói nghèo lạc hậu, vươn tới cuộc sống khá giả, văn minh, an bình, hiện đại. Khát vọng lớn luôn đi kèm và đồng thời luôn đòi hỏi bản lĩnh cao cường.

Chính nhờ bản lĩnh, cần có quyết định dứt khoát, chắc chắn mà bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Võ Chí Công trực tiếp lãnh đạo đã quyết định nhanh chóng thực hiện chủ trương huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng thành phố với phương châm: “Táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”, giành thắng lợi hoàn toàn mà vẫn bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân.

Trong bối cảnh mới hôm nay, bản lĩnh sẽ giúp cho chúng ta tạo nên những táo bạo, bất ngờ, những đột phá trong phát triển, giúp Đà Nẵng mạnh dạn chọn phương án thích hợp để “đi tắt, đón đầu”, thực thi những ý tưởng đưa thành phố đi những bước nước rút, tiến vào kỷ nguyên hiện đại văn minh, đạt được những mục tiêu lớn của những năm 30, 40 thế kỷ XXI mà Đảng và Nhà nước tin cậy giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.