Trọn nghĩa vẹn tình với gia đình người có công cách mạng

.

Để tri ân sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ gia đình có công với cách mạng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, từ nhiều năm nay, thành phố Đà Nẵng dành sự quan tâm đặc biệt để bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Theo đó, các chế độ, chính sách được các ngành, các cấp, từng địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Đặc biệt, thành phố dành sự quan tâm chu đáo để giúp người có công sống trong ngôi nhà khang trang, vững chắc.

Chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng đã và đang được chính quyền thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. TRONG ẢNH: Cán bộ chăm sóc người có công neo đơn tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố.  Ảnh: PHƯƠNG MINH
Chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng đã và đang được chính quyền thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. TRONG ẢNH: Cán bộ chăm sóc người có công neo đơn tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Những chính sách “vượt khung”

Đón Tết Tân Sửu 2021, gia đình vợ chồng thương binh Lê Công Thọ và Trần Thị Liễu (số 62 đường Trần Kim Xuyến, phường Hòa Xuân) cùng lúc đón hai niềm vui. Đó là vợ chồng ông bà dọn về ngôi nhà mới khang trang và được Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đến thăm, chúc Tết. Đưa chúng tôi đi thăm ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa, ông Lê Công Thọ tâm sự: “Về nhà mới vài tháng nay rồi nhưng nhiều lúc vẫn không tin đây là sự thật. Ngôi nhà thành hình từ số tiền dành dụm của vợ chồng, con cái, đặc biệt là sự hỗ trợ của thành phố. Vì vậy, vợ chồng tôi nói vui “Đây là ngôi nhà nghĩa tình”. Thành phố vừa trải qua một năm rất khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn dành sự quan tâm đến những người như chúng tôi, thật đáng trân trọng!”.

Gia đình thương binh Lê Công Thọ là một trong hàng ngàn gia đình người có công, thương bệnh binh được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) thành phố, thực hiện Đề án Hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho gia đình người có công với cách mạng, từ năm 2014 đến 2020, thành phố hỗ trợ 9.053 gia đình sửa chữa và xây mới nhà, với tổng kinh phí 279 tỷ đồng. Trong số này có 2.141 nhà xây mới và 6.912 nhà được sửa chữa. Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH thành phố cho biết, trong suốt những năm qua, thành phố Đà Nẵng không chỉ đạt mà luôn vượt kế hoạch về hỗ trợ người có công sửa chữa xây nhà.

Ngoài ra, thành phố còn thực hiện nhiều chính sách “vượt khung” quy định của Trung ương để giúp các gia đình thuận lợi hơn trong việc sửa chữa, xây mới nhà. Cụ thể, theo quy định của Trung ương, mỗi nhà xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên ở Đà Nẵng, mỗi trường hợp xây mới được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng và sửa chữa thêm 10 triệu đồng. Không những vậy, để bảo đảm sự hỗ trợ được chính xác, đúng đối tượng, kịp thời, hằng năm sở phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương khảo sát thực tế hiện trạng nhà ở của gia đình người có công với cách mạng để lập danh sách theo thứ tự ưu tiên.

Đặc biệt với những gia đình neo đơn, Phòng Quản lý đô thị các địa phương còn đứng ra vẽ thiết kế, giám sát thi công... để công trình hoàn thành đúng thời gian cũng như bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện, Phòng LĐ,TB&XH các quận, huyện luôn có sự phối hợp chặt chẽ với UBND các phường, xã để nhanh chóng giải quyết những phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ vậy, suốt từ năm 2014 đến nay, tất cả quận, huyện đều bảo đảm 100% nhà vừa đạt chất lượng yêu cầu, vừa hoàn thành trước dịp 27-7 hằng năm.

Với thu nhập từ tiền lương hưu và tiền thương binh trên 16 triệu đồng/tháng, vợ chồng thương binh Phạm Chí Long và Nguyễn Thị Ngọ ở số 41 đường An Hải 1, phường An Hải Bắc, cho biết cuộc sống hiện nay khá thoải mái, thậm chí còn giúp đỡ một phần cho con cháu. Ảnh: T.V
Với thu nhập từ tiền lương hưu và tiền thương binh trên 16 triệu đồng/tháng, vợ chồng thương binh Phạm Chí Long và Nguyễn Thị Ngọ ở số 41 đường An Hải 1, phường An Hải Bắc, cho biết cuộc sống hiện nay khá thoải mái, thậm chí còn giúp đỡ một phần cho con cháu. Ảnh: T.V

Quan tâm chăm lo đời sống người có công

Vừa trở về từ Bệnh viện C Đà Nẵng sau hơn một tuần điều trị bệnh, dù còn khá mệt, thế nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về công tác chăm lo đời sống của gia đình người có công với cách mạng, ông Bùi Văn Giảng (số nhà 89, Mạc Đăng Dung, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bỗng trở nên vui vẻ: “76 tuổi rồi, là thương binh 1/4, cụt một cánh tay, mất một con mắt, ngoài ra thêm bệnh huyết áp, tiểu đường... Bệnh tật nhiều nhưng cũng nhờ vậy mà tôi hiểu được chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho mình thật đáng quý và trân trọng”. Trước đây, gia đình ông Giảng ở trên tuyến đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Nhà cũ, xuống cấp nên ông bán nhà chuyển về phường Hòa Xuân, mua đất và làm nhà. Dù mới về nhưng chính quyền địa phương nắm bắt tình hình rất nhanh. Khi gia đình chuẩn bị làm nhà, cán bộ phường đến hướng dẫn thủ tục để được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, thương binh 2/4 (số 41 An Hải 1, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết: “Trường hợp của gia đình tôi không phải là hỗ trợ xây hay sửa nhà. Nhưng ở thời điểm 2014, nếu thành phố không hỗ trợ giảm 10% thì tôi không mua được đất. Không chỉ giúp gia đình tôi an cư mà suốt thời gian sống tại địa phương, tôi còn cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, tận tình của các cấp chính quyền. Nhiều năm nay, các dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày 27-7, luôn có đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp đến động viên, thăm hỏi; thậm chí có nhiều lúc cán bộ phường biết tôi ốm đau còn đến thăm như người trong gia đình, thật ấm áp!”.

Trong suốt những năm qua, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thành phố luôn thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Không chỉ bảo đảm mọi người đều có ngôi nhà vững chắc để ở, được chăm sóc y tế chu đáo, được thăm hỏi, động viên kịp thời mỗi khi đau ốm, mà thành phố còn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em những gia đình người có công được học tập, phát triển.

Trong suốt 20 năm qua, thành phố giải quyết các chế độ ưu đãi giáo dục cho gần 15.000 lượt học sinh, sinh viên là con gia đình có công với cách mạng, với kinh phí trên 100 tỷ đồng; cấp miễn phí hàng trăm ngàn thẻ BHYT; hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho gần chục ngàn con em gia đình có công... Chính những điều này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao mức sống của gia đình người có công. Đây là sự tri ân, là tấm lòng của chính quyền và nhân dân thành phố với những người hy sinh phần xương máu cho hòa bình, thống nhất đất nước.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.