Công đoàn phải lấy thương lượng, đối thoại làm đầu

.

Đó là ý kiến phát biểu của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại tọa đàm “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ Công đoàn cơ sở” do LĐLĐ thành phố Đà Nẵng phối hợp Tạp chí Lao động & Công đoàn tổ chức vừa qua.

Tham gia tọa đàm, 100 cán bộ Công đoàn cơ sở được trực tiếp trao đổi với các khách mời, chuyên gia về kỹ năng thương lượng, đàm phán qua các câu chuyện cụ thể lần này sẽ là tiền đề để nhân rộng hơn nữa cho lực lượng cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, chăm lo cho người lao động (NLĐ).       

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố tại buổi tọa đàm, hiện còn một số cán bộ Công đoàn cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực, kỹ năng thương lượng đàm phán còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của mình để bảo đảm các quyền lợi cho NLĐ.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do cán bộ Công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, làm việc và hưởng lương của doanh nghiệp nên ngại đàm phán, thương lượng, ít có thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động Công đoàn.

Việc nắm chắc kỹ năng thương lượng, đàm phán và hiểu rõ quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ giúp cán bộ Công đoàn cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động. TRONG ẢNH: Quang cảnh tọa đàm “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ Công đoàn cơ sở”.	           				               	               Ảnh: NHƯ MINH
Việc nắm chắc kỹ năng thương lượng, đàm phán và hiểu rõ quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ giúp cán bộ Công đoàn cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động. TRONG ẢNH: Quang cảnh tọa đàm “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ Công đoàn cơ sở”. Ảnh: NHƯ MINH

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CHANGSHIN Việt Nam (Đồng Nai) chia sẻ, vào năm 2008, trước tình hình giá gạo tăng nhanh, Công đoàn đã nhanh chóng trao đổi với doanh nghiệp tổ chức mua gạo, bán lại NLĐ với mức giá hỗ trợ, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất. Qua đó NLĐ cũng cảm thấy Công đoàn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ...

Theo ông Tú, để đàm phán thành công, cán bộ Công đoàn cơ sở phải xác định được thời điểm phù hợp; đồng thời, cần có thời gian khảo sát, chuẩn bị, phân tích và tổng hợp ý kiến của NLĐ, không vội vàng trong quá trình đàm phán. Ông Tú cho rằng, từng điều khoản nhỏ được đàm phán thành công sẽ góp phần đi đến mục tiêu đàm phán cuối cùng.

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam (Đà Nẵng) Vũ Tú Nam, người có hơn 30 năm làm công tác Công đoàn cho rằng, để đàm phán thành công, cần phải xác định 3 điểm: thứ nhất, những vấn đề thiết thực với NLĐ như tiền ăn ca, khám chữa bệnh, tiền xăng xe, hiếu, hỉ, sinh nhật,...; thứ hai, cần khảo sát phúc lợi của những doanh nghiệp tương tự, làm căn cứ để so sánh, đánh giá và thuyết phục chủ doanh nghiệp; thứ ba, đề xuất cần căn cứ dựa trên quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, chuẩn bị đầy đủ các thông tin về nội dung, nguồn chi rõ ràng từ bộ phận tài chính. Những đề xuất có lợi cho NLĐ sẽ bảo đảm để NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng trong bối cảnh hội nhập, Công đoàn phải quay lại chức năng vốn có của mình, và muốn thực hiện tốt chức năng ấy thì phải lấy thương lượng, đối thoại làm đầu.

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều thay đổi, việc nắm chắc kỹ năng thương lượng, đàm phán và hiểu rõ quy định của bộ luật mới sẽ giúp cán bộ Công đoàn cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ. Ngoài ra, để thương lượng, đàm phán thành công, cán bộ Công đoàn cơ sở cần tích cực giao tiếp, rèn kỹ năng quan sát và rèn luyện bản lĩnh để tự tin hơn.

“Bộ luật Lao động mới được thiết kế để bảo vệ NLĐ, những vấn đề cụ thể và chi tiết do người sử dụng lao động và NLĐ chủ động thỏa thuận. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực của Công đoàn để thể hiện vai trò của mình, làm thế nào để xứng đáng với sự gửi gắm của NLĐ”, ông Hiểu nhấn mạnh.

NHƯ MINH

;
;
.
.
.
.
.