Nhà chính trị, quân sự tài ba, lỗi lạc

.

ĐNO - Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một gương sáng mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản trên nhiều phương diện. 

Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941). Ảnh tư liệu
Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941). Ảnh tư liệu

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18-5-1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1925, Tổng hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc đã cử cán bộ về Nghệ An hoạt động, Phùng Chí Kiên được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ, kết nạp vào Hội.

Tháng 10-1926, đồng chí được cử đến Quảng Châu, dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Sau khóa học, đồng chí Phùng Chí Kiên được gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố.

Tháng 12-1930, tại Hồng Kông, đồng chí Phùng Chí Kiên được gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được truyền đạt những chủ trương, đường lối mới của Đảng sau hội nghị hợp nhất. Những ngày ở Hồng Kông, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được gửi sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Những năm tháng đồng chí Phùng Chí Kiên hoạt động ở nước ngoài (Trung Quốc và Liên Xô) là lúc phong trào cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Đây là giai đoạn đồng chí hoạt động trên nhiều phương diện khác nhau, như: học tập, nghiên cứu lý luận, khảo sát và hoạt động thực tiễn, đặc biệt chuẩn bị những nội dung cho Đại hội Đảng lần thứ I, một đại hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo bước ngoặt, đánh dấu sự phục hồi của phong trào cách mạng.

Cùng với đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Phùng Chí Kiên đã làm hết sức mình, tổ chức tốt Đại hội Đảng, góp phần khôi phục tổ chức của Đảng, đưa phong trào cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới.

Trong thời gian học tập ở Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí Phùng Chí Kiên đã có nhiều đóng góp cho Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung Quốc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng đơn vị quân. Trong thời gian học tập ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Phùng Chí Kiên được đào tạo một khóa đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện.

Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Pác Bó, Cao Bằng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ do Tổng Bí thư Trường Chinh giao, đồng chí Phùng Chí Kiên bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức đảng, đoàn thể.

Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được đồng chí vận dụng một cách sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân đã bảo vệ an toàn Khu căn cứ Bắc Sơn, giúp xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương khác; bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng về quán triệt Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII; tổ chức đánh các đồn lẻ của địch, thu vũ khí.

Đồng chí cùng toàn Đội tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, củng cố khu căn cứ; đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động, củng cố lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, sẵn sàng chống địch khủng bố.

Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa còn đang dang dở thì thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, tập trung bủa vây hòng tiêu diệt lực lượng cán bộ nòng cốt của ta ở Khu căn cứ.

Trước tình hình đó, Đồng chí đã vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII.

Đồng thời, đưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng về dưới xuôi an toàn. Tháng 8-1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về phía Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy từ Khuổi Nọi sang huyện Bình Gia lên Văn Mịch, Thất Khê, sau đó sang biên giới Việt - Trung an toàn.

 Cánh quân rút về phía Cao Bằng, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn), bị địch phục kích, đồng chí kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 22-8-1941, khi mới 40 tuổi đời, trong lúc tài năng đang nở rộ.

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một gương sáng mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản trên nhiều phương diện. Đó là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, giữ vững ý chí chiến đấu đến cùng.

S.TRUNG (Theo đề cương tuyên tuyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
;
.
.
.
.
.