Vững niềm tin vào ngày hội lớn của toàn dân

.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang bước vào giai đoạn cuối. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác đấu tranh trước âm mưu chống phá bầu cử của các thế lực thù địch.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền sẽ giúp cử tri nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử vào ngày 23-5 tới. TRONG ẢNH: Ủy ban bầu cử thành phố tổ chức diễn tập các tình huống bầu cử ngày 9-5-2021. Ảnh: NGỌC PHÚ
Việc đẩy mạnh tuyên truyền sẽ giúp cử tri nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử vào ngày 23-5 tới. TRONG ẢNH: Ủy ban bầu cử thành phố tổ chức diễn tập các tình huống bầu cử ngày 9-5-2021. Ảnh: NGỌC PHÚ

Các thế lực thù địch đã tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, gây nhũng nhiễu thông tin nhằm chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc bầu cử. Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, các đối tượng chống phá cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử.

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

PGS.TS Đoàn Triệu Long, Quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 3 cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cử tri phải phát huy quyền làm chủ của mình thông qua việc đi bầu để chọn ra những đại biểu thực sự đủ năng lực, phẩm chất đạo đức theo luật định, xứng đáng làm đại biểu dân cử.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong và ngoài nước cần tỉnh táo nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn và nội dung xuyên tạc chống phá bầu cử mà các thế lực thù địch sử dụng. Từ đó, dùng những kiến thức hiểu biết của mình và bằng thực tiễn tình hình đất nước để phân tích, chỉ ra những sai trái, phê phán, phản bác lại những luận điểm xuyên tạc, chống phá.

Theo PGS.TS Đoàn Triệu Long, cần thực hiện tốt nhóm giải pháp tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, bởi khi niềm tin được củng cố và nâng lên thì các thế lực chống phá, xuyên tạc sẽ không còn đất hoạt động. Đó là việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật, nhất là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Từ đó, cử tri sẽ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng bầu vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, cần chủ động dự báo kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Qua đó, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh các đối tượng đăng tải các tin, bài, clip có nội dung xấu, độc hại, trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, ông Vĩnh cho hay.

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, các cấp chính quyền thành phố tăng cường giải pháp đấu tranh, phản bác trực diện. Trước hết, phải nhận diện được âm mưu, thủ đoạn và nội dung mà các thế lực chống phá sử dụng; đấu tranh, phản bác; xây dựng một lực lượng chuyên trách và lực lượng cộng tác viên tích cực, biết sử dụng mạng xã hội để làm công tác tuyên truyền, phản bác…

Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, những hành vi viết bài xuyên tạc về công tác bầu cử trên mạng xã hội, hay kích động, nói xấu lãnh đạo, đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân... đều bị xử phạt, áp dụng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, theo các điều: 99, 101 và 102.

“Cũng như các ban, ngành, đoàn thể khác, hiện nay lực lượng an ninh tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đồng thời, thông tin rõ qua báo chí, truyền thông cho người dân biết bản chất vụ việc mà các phần tử phản động viết bài xuyên tạc trên mạng xã hội; kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức”, Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi nói.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.