Học Bác từ những điều giản dị

.

5 năm qua, việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

“Trách nhiệm-sáng tạo-lịch sự-nghĩa tình” là phương châm mà cán bộ, nhân viên Công ty  Điện lực Đà Nẵng luôn phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Bác.
“Trách nhiệm-sáng tạo-lịch sự-nghĩa tình” là phương châm mà cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Đà Nẵng luôn phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Bác. Ảnh: H.N

“Chưa bao giờ nghĩ mình cống hiến cho xã hội thì phải được cái gì đó”

Vết thương hồi tham gia trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) thỉnh thoảng lại gây nhức nhối khi trở trời không ngăn được bước chân cựu chiến binh Mai Văn Soạn (72 tuổi, thương binh hạng 2/4, Chi hội trưởng Hội Cựu Chiến binh khu dân cư Vĩnh An A1, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) đến với những cảnh đời còn khó khăn.

Sau lần bị thương nặng đó, ông Soạn chuyển về làm ở ban Dân y khu 5 cho đến khi đất nước hòa bình và tiếp tục gắn bó với ngành y tế đến khi nghỉ hưu. Năm 2003, ông Soạn thành lập công ty TNHH Cường Thịnh sản xuất bao bì nhựa dược phẩm, y tế. Doanh nghiệp của ông chỉ có vài chục công nhân, nhờ hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, việc quản lý cũng đỡ vất vả. Thời gian rảnh, ông vận động anh em, bạn bè xây nhà tình nghĩa cho đồng đội cũ, cho người khó được 18 căn. Năm 2020, Covid-19 bùng phát, cuối năm lại gánh thêm bão lũ, ông Soạn đã kêu gọi, vận động đóng góp hơn 190 triệu đồng và sách vở, quần áo cho học sinh. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm ông đều chuẩn bị 20-25 xuất quà tặng bà nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư.

Dịp sinh nhật Bác vừa qua, ông Soạn được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Mẹ của ông và mẹ vợ đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông bảo: “Đến tuổi này tôi còn được sống cùng mẹ là một điều may mắn (mẹ ông năm nay 96 tuổi), mình làm cái gì có ý nghĩa cho mọi người thì làm. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình cống hiến cho xã hội thì phải được cái gì đó”.

Học Bác cách huy động sức dân, bà Đỗ Thị Tùng, Trưởng thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã cùng với hệ thống chính trị trong thôn đưa một thôn cách đây hơn 8 năm luôn xếp cuối bảng trong tổng số 15 thôn của xã, trở thành thôn kiểu mẫu, đứng đầu xã. Bằng sự mềm mại, khéo léo, bà Tùng huy động bà con đóng góp xây dựng kênh nội đồng, hiến đất mở đường và bê-tông được 1.680m đường nông thôn. Năm 2015 nhà họp thôn được xây mới, mới đây bà huy động người dân góp tiền, công sức làm sân khấu ngoài trời, làm sân đá bóng cho thanh niên. Bà Tùng nói: “Ở thôn không có mạnh thường quân, không có công ty đóng trên địa bàn, chỉ có thể kêu gọi sự đóng góp của bà con, nếu tôi không có sự đồng thuận của người dân thì làm sao làm được”.

Để tạo được sức mạnh tổng hợp, người dân đồng lòng, bà Tùng từng hiến một gò hơn 400 khối đất để san nền, làm một con đường dài gần 400m, cứu cảnh mưa là ngập của một khu dân cư trong thôn. Bà còn đi đầu trong quyên góp, hỗ trợ người khó khăn. Hành động đó của bà lan tỏa khiến nhiều người khâm phục, làm theo. Giờ, đèn đường cháy bà con sẽ tự mua mới về thay, trước mỗi nhà đều tự trồng cây cảnh, cây bóng mát. Huy động sức mạnh từ nhân dân là một trong những kinh nghiệm quý giúp bà Tùng xây dựng thôn Phước Hưng Nam đẹp đẽ, khang trang như hiện nay.

Bà Đỗ Thị Tùng, Trưởng thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang học Bác cách huy động sức dân để xây dựng thôn văn minh, hiện đại. 		       Ảnh: H.N
Bà Đỗ Thị Tùng, Trưởng thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang học Bác cách huy động sức dân để xây dựng thôn văn minh, hiện đại. Ảnh: H.N

Làm tốt từng phần việc của mình

Học Bác, mỗi cán bộ, đảng viên luôn tận tụy, hết lòng vì lợi ích của nhân dân. Đáp lại, là sự ghi nhớ của mỗi người dân. Từ năm 2016 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hải Châu đã nhận được khoảng 55 thư khen ngợi từ quần chúng nhân dân. Công an quận có 351 lượt tập thể, 1.076 lượt cá nhân có thành tích trong công tác, chiến đấu và các phong trào thi đua được các cấp khen thưởng.

Với những người chiến sĩ công an, học Bác cũng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn cảnh để giữ bình yên cho nhân dân. Tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được lan tỏa sâu rộng trong mọi cấp, mọi ngành. Không phải là việc gì cao siêu, xa vời, mà bắt đầu bằng công việc chuyên môn. Mỗi nhân viên tùy thuộc vào vị trí công tác tự nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Nói về việc lan tỏa tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ông Lê Hồng Cương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) nhấn mạnh, việc xây dựng hình ảnh người thợ điện Đà Nẵng “Trách nhiệm - Sáng tạo - Lịch sự - Nghĩa tình” gắn liền với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào trong mỗi lời nói, việc làm thường ngày của mỗi cán bộ, công nhân viên đơn vị và có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền tảng quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng tiền đề quan trọng để chúng tôi nỗ lực hướng đến phục vụ khách hằng ngày một tốt hơn.

Đó là đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện giao dịch điện tử hiện đại, công khai, minh bạch giúp khách hàng dễ giám sát, dễ thực hiện. Công ty triển khai hóa đơn điện tử (năm 2014), thanh toán trực tuyến (2015), dịch vụ điện trực tuyến (2017), phương thức giao dịch điện tử (2019), tra cứu chỉ số điện hằng ngày (2019) - hỗ trợ khách hàng theo dõi, giám sát chỉ số điện nhiều lần trong ngày. Gần đây nhất, công ty xây dựng công cụ tự động rà soát theo dõi, phát hiện sản lượng điện tăng đột biến theo thời gian thực...

Cùng với phong trào nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh mẽ trong công ty, đặc biệt là những nghiên cứu vì cộng đồng, hằng năm, công ty ủng hộ khoảng 1,5 tỷ đồng đến các quỹ tương trợ xã hội, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; sửa chữa điện miễn phí đến khách hàng có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về sức lan tỏa của CLB máu nóng “Tim yêu thương” (Hội chữ thập đỏ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ, không chỉ giúp bệnh nhân cần chuyền máu nóng cấp cứu, các thành viên CLB còn hiến tiểu cầu, góp kinh phí giúp họ chữa bệnh. Người bệnh, người nghèo khó ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh khác đã được CLB hỗ trợ với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng trong khoảng 5 năm qua.

CLB máu nóng “Tim yêu thương” hiện có trên 500 thành viên, từ 18-55 tuổi, bất cứ giờ nào trong ngày, chỉ cần các bệnh viện gọi điện xin được hỗ trợ máu nóng, mọi người sẽ cùng góp sức cứu người. Trong 5 năm, CLB đã hiến 3.251 đơn vị tiểu cầu và 2.753 đơn vị máu toàn phần. Cuối năm 2019, “Chuyến xe yêu thương” giá 0 đồng do một mạnh thường quân tài trợ ra đời, hỗ trợ chở bệnh nhân nghèo không có tiền thuê xe chuyển viện-nhập viện xuất viện ở 4 tỉnh, thành (Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi), đã giúp đỡ 98 bệnh nhân đến viện, về nhà an toàn.

Ngoài ra, CLB còn hỗ trợ kinh phí mai táng, xây nhà tình thương, trao quà cho các cụ già neo đơn. Trong năm 2020, Nguyễn Ngọc Bình vận động được 900 suất quà với tổng số tiền hơn 215 triệu đồng để tặng cho các hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Văn hóa truyền thống của người Việt Nam là sống trong cộng đồng, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nay cộng với phong trào rèn luyện, thi đua, học theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất hiện ngày một nhiều những tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo Bác, bằng những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa.

Những tấm gương đó đã lan tỏa trong toàn xã hội tinh thần yêu nước, vì lợi ích nhân dân và mong muốn được cống hiến. Đó là điều làm nên sức sống mãnh liệt và là minh chứng cho thấy hiệu quả đạt được sau 5 năm cả nước thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.