Ấm áp ân tình giữa mùa dịch

.

Đối với lao động nhập cư, nơi ăn chốn ở và thu nhập luôn là nỗi lo thường trực. Khi dịch bệnh kéo dài, họ gặp không ít khó khăn bởi mất việc, thiếu việc. Chính lúc này, sự sẻ chia, đùm bọc kịp thời từ các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ và công đoàn các cấp của thành phố đã giúp cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Ông Mai Đức Nguyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cơ quan phường Hòa Thọ Tây  (bìa phải) và bà Lê Thị Thủy (giữa), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 13 đến thăm, tặng quà cho công nhân lao động ở trọ trên địa bàn phường. Ảnh: TRÀ GIANG
Ông Mai Đức Nguyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cơ quan phường Hòa Thọ Tây (bìa phải) và bà Lê Thị Thủy (giữa), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 13 đến thăm, tặng quà cho công nhân lao động ở trọ trên địa bàn phường. Ảnh: TRÀ GIANG

Trong vòng tay sẻ chia

Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tâm và anh Trần Thiện Thành Đạo là lao động nhập cư đến từ Quảng Nam, thuê nhà ở trọ tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Sau thời gian nghỉ sinh con thứ hai, chị Tâm quay lại với công việc ở bộ phận lắp ráp của Công ty TNHH Matrix Việt Nam, cũng là lúc bùng phát đợt dịch lần thứ tư trên địa bàn thành phố.

Dịch bệnh khiến anh Đạo, một lao động tự do rơi vào cảnh mất việc, ở nhà trông con. Mọi chi phí, chi tiêu sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào khoản thu nhập ít ỏi của chị Tâm. Nhớ lại ngày nhận được tháng lương đầu tiên sau thời gian đi làm lại, chị Tâm bật khóc: “Tôi cầm gần 3 triệu đồng trong tay, nghĩ về việc mua gạo, mua sữa cho con, trả tiền thuê trọ mà nước mắt tự trào, không thể nào đủ được”.

Câu chuyện của gia đình chị Tâm cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình công nhân lao động (CNLĐ) đang thuê trọ lúc này. Dịch bệnh khiến thu nhập của họ giảm sút. Không ít lao động bị mất việc, số may mắn còn việc phải giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên để cùng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn. Những lúc khó khăn đó, các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ và công đoàn các cấp đã kịp thời sẻ chia, đùm bọc để CNLĐ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Cầm trên tay phần quà là nhu yếu phẩm của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tặng, anh Đạo, chồng chị Tâm xúc động: “Ngoài sự hỗ trợ của LĐLĐ thành phố, ở đây còn có cô Thủy, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản hay hỏi thăm, động viên chúng tôi, có khi cô còn cho nhu yếu phẩm, mua bánh kẹo cho các cháu. Chúng tôi rất cảm động vì sự quan tâm đó, ở nơi đất khách quê người nhưng luôn cảm giác như mình đang ở làng xóm quê mình”.

Không chỉ gia đình chị Tâm, những người thuê trọ ở đây đã quen với hình ảnh bà Lê Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 13, phường Hòa Thọ Tây, đi nhắc nhở mọi người về công tác phòng, chống dịch cũng như thăm hỏi, động viên những gia đình CNLĐ thuê trọ khó khăn.

“Tôi coi các em, các cháu như con cháu trong nhà. Của ít lòng nhiều, giúp được mình cứ giúp. Khi có các phần quà cho người khó khăn, chúng tôi cũng có danh sách cụ thể từng trường hợp, bảo đảm các phần quà đến đúng địa chỉ”, bà Thủy chia sẻ.

Hỗ trợ công nhân tìm nơi ở mới 

Đối với 30 gia đình CNLĐ tại Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm lại có những trải nghiệm khác. Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, thành phố trưng dụng Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm làm khu cách ly cho những người F1. Sau gần 3 tháng nhường phòng làm khu cách ly, chị Huỳnh Thị Lệ, công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster đã quen với điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn ở chỗ trọ mới.

Nhớ lại ngày nhận thông báo chuyển trọ, chị Lệ kể, đại diện chính quyền phường đến phổ biến chủ trương về việc bố trí 30 công nhân ra thuê trọ ở khu dân cư để lấy Nhà ở công nhân làm khu cách ly, hỗ trợ thuê nhà mỗi CNLĐ 1 triệu đồng/một tháng. Các hộ CNLĐ nhanh chóng dọn dẹp và bàn giao phòng ở vào sáng hôm sau và di dời đến nơi ở mới. Công đoàn phường cũng hỗ trợ nhiều chuyến xe tải chuyển đồ đạc của các hộ CNLĐ đến nơi ở mới.

Theo anh Mai Đức Nguyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cơ quan phường Hòa Thọ Tây, việc 30 hộ CNLĐ nhường lại chỗ ở để làm khu cách ly rất đáng trân trọng vì đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. Ngay khi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CNLĐ, Công đoàn phường đã bắt tay vào việc tìm một chỗ trọ khác đáp ứng được cơ bản của CNLĐ.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phải tìm được những phòng trọ cũng gần Khu công nghiệp Hòa Cầm để CNLĐ thuận tiện đi làm. Bên cạnh đó, căn phòng phải đáp ứng được cơ bản yêu cầu, rộng rãi, thoáng mát”, anh Nguyên chia sẻ.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Vậy nhưng, những CNLĐ khó khăn cũng được an ủi phần nào khi nhận được nhiều sự chia sẻ, đùm bọc của các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ và công đoàn các cấp, giúp cuộc sống của họ vơi bớt nhọc nhằn nơi đất khách.

TRÀ GIANG

;
;
.
.
.
.
.