Chính trị - Xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội

09:19, 27/07/2021 (GMT+7)

Năm 2020, Đà Nẵng trải qua 2 đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân nói chung, gia đình người có công cách mạng nói riêng. Do đó, thành phố vẫn còn một số hộ nghèo người có công theo chuẩn nghèo thành phố. Từ đầu năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo người có công thoát nghèo.

Qua khảo sát thực trạng 121 hộ nghèo người có công với 582 khẩu, có 55 hộ có người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, 66 hộ hưởng trợ cấp một lần và là con liệt sĩ, 14 hộ không còn sức lao động, các hộ còn lại đều nằm trong diện đông người phụ thuộc và thiếu việc làm ổn định. Đa số các hộ có nhà ở ổn định, cá biệt một vài hộ chưa ổn định do đất thuộc diện di dời, giải toả, đất chưa đủ thủ tục pháp lý; 17 hộ có nguyện vọng được hỗ trợ cải thiện nhà ở.

Sở LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch thoát nghèo với sự tham gia của gia đình người có công. Theo đó, giải quyết trợ cấp thường xuyên theo các nghị quyết của HĐND thành phố; hỗ trợ về nhà ở theo chính sách quy định chung; kết nối hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; kết nối hỗ trợ học bổng từ các chương trình giảm nghèo và quỹ khuyến học các cấp; đặc biệt là hỗ trợ sinh kế phù hợp nguyện vọng của gia đình (mua máy vi tính làm nghề thiết kế, hỗ trợ vật nuôi, trồng rau sạch, buôn bán nhỏ...), mức hỗ trợ 10-15 triệu đồng/1 hộ.

Tổng kinh phí thực hiện 1,13 tỷ đồng, không tính kinh phí ngân sách thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên. Kế hoạch đang được triển khai, kết quả bước đầu khả quan, đáp ứng mong đợi của đa số gia đình người có công.

Để nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo đối với hộ người có công với cách mạng, thời gian đến, các đơn vị cần thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công thông qua thẻ ATM theo xu hướng chung, nhưng đồng thời tăng cường quản lý người có công tại địa bàn thông qua phương pháp quản lý trường hợp trong công tác xã hội. Mỗi gia đình người có công là một trường hợp cần quan tâm, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh (đau ốm, thiên tai, dịch bệnh...), đặc biệt chú trọng công tác kết nối đến các tổ chức chính trị, hội đoàn thể, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần người có công.

Thành phố cũng tăng cường sự tham gia của người có công và thân nhân trong giải quyết vấn đề của gia đình mình, tránh chính quyền làm thay mọi việc cho người dân, kể cả gia đình người có công, dựa trên nguyên tắc triết lý của nghề công tác xã hội: Mỗi người đều có giá trị riêng, có tiềm năng, khả năng thay đổi và giải quyết mọi vấn đề của mình.

Thành phố cũng cần rà soát, điều chỉnh, tham mưu sửa đổi bổ sung kịp thời các nghị quyết đặc thù của HĐND cho phù hợp nhu cầu thực tế đời sống người có công và bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của pháp lệnh mới đề ra. Cụ thể, bổ sung đối tượng là con liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị quyết 19/2016/NQ-HĐND nếu đau ốm thường xuyên và mắc bệnh hiểm nghèo.

Thực hiện tốt chính sách chăm lo người có công của Đảng và Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

TRƯƠNG THỊ NHƯ HOA
   Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH thành phố

.