Bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết

.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng vừa tổ chức phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu của chiến dịch này là tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm từ nay đến đầu năm 2022. Sự kiện này thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Hiện nay, nước ta đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch có quy mô, mức độ lây lan nhanh, lớn nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế-xã hội. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vắc-xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế.

Trước đó, ngày 11-6, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về tình hình phòng, chống Covid-19. Bộ Chính trị đánh giá cao nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chung tay góp sức trong công tác phòng, chống dịch; phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất; bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.

Chủ trương của Bộ Chính trị ngay sau đó đã được các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước nhanh chóng tiếp tục phát huy những thành quả chống dịch trước đó để cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo hơn nhằm hoàn thành mục tiêu kép. Trong bối cảnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguồn vắc xin ngừa Covid-19 còn khan hiếm, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc lớn nhất trong lịch sử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta để không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực bền bỉ từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được hơn 100 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 và hướng tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc triển khai tiêm chủng phải trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”; đồng thời đẩy nhanh hơn tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin trong nước.

Ngày 26-5-2021, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.

Ngay sau khi thành lập, Quỹ đã nhận sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tổ chức, cá nhân và người dân trên cả nước cùng bạn bè quốc tế thể hiện tinh thần “mình vì mọi người mọi người vì mình”. Quỹ nhanh chóng đón nhận sự ủng hộ hàng ngàn tỷ đồng. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua các hoạt động viện trợ không hoàn lại, tìm nguồn cung cấp để mua, hợp tác nghiên cứu, phát triển sản xuất vắc-xin trong nước. Để thực hiện chiến lược vắc-xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc-xin hằng năm.

Qua sự kiện phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Sự kiện này còn truyền thông điệp đến mọi người dân Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng chống dịch, xác định việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước.

Mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm của mình trong hành động chung tay hướng về đồng bào vùng dịch đang diễn biến phức tạp, sẻ chia tinh thần tương thân, tương ái; ở hành động hợp tác với chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch, ở việc tuân thủ 5K ngay cả sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin…

ĐOÀN SƠN

;
;
.
.
.
.
.