Cần đầu tư phương tiện chữa cháy, cứu nạn

.

Từ thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua, các sở, ban, ngành và địa phương đang đề xuất thành phố đầu tư mua sắm, bổ sung các phương tiện nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả công tác này.

Trong vụ cháy 3 tàu cá của tỉnh Bình Định vào ngày 14-2-2021, các lực lượng chức năng phải kéo tàu vào cập cảng cá Thọ Quang để triển khai chữa cháy vì trang thiết bị chữa cháy trên tàu không bảo đảm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong vụ cháy 3 tàu cá của tỉnh Bình Định vào ngày 14-2-2021, các lực lượng chức năng phải kéo tàu vào cập cảng cá Thọ Quang để triển khai chữa cháy vì trang thiết bị chữa cháy trên tàu không bảo đảm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sáng sớm mồng 3 Tết Tân Sửu 2021 (ngày 14-2-2021), tại khu vực giữa âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), xuất hiện đám cháy trên một tàu cá do chập điện từ bình ắc-quy rồi lan ra 2 tàu cá neo đậu bên cạnh tạo thành đám cháy dữ dội trên cụm 3 tàu cá của tỉnh Bình Định (BĐ 94195 TS, BĐ 98107 TS và BĐ 96543 TS). Đám cháy lớn cũng gây ảnh hưởng một số tàu cá ở lân cận. Các lực lượng chức năng phối hợp chủ tàu cá tiến hành di chuyển tàu vào cảng cá Thọ Quang để thuận tiện cho công tác chữa cháy.

Tuy nhiên, nhiều người có mặt bày tỏ tiếc nuối, vì nếu có tàu với trang thiết bị hiện đại để nhanh chóng tiếp cận chữa cháy và lai dắt tàu cá đang cháy tránh xa thì sẽ giảm thiểu thiệt hại... Trước đó, trong mùa mưa bão năm 2020, dù đã huy động các tàu biên phòng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các tàu lai dắt của Công ty CP Tàu lai Cảng Đà Nẵng nhưng việc thiếu tàu vừa hoạt động được trong điều kiện sóng lớn và phức tạp, vừa có chức năng lai dắt tàu cá nên đã gây những khó khăn nhất định cho công tác tìm kiếm, cứu nạn tàu cá và ngư dân. Việc đầu tư, mua sắm tàu công suất lớn có trang thiết bị chữa cháy hiện đại, hoạt động được trong điều kiện gió to, sóng lớn kết hợp chức năng đẩy, kéo, lai dắt tàu bị nạn... đã trở nên bức thiết.

Trước yêu cầu của công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã có văn bản đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí 30 tỷ đồng mua sắm một tàu lai hoặc bố trí 100-120 tỷ đồng mua sắm một tàu lai vừa có chức năng chữa cháy trên mặt nước, vừa kéo, đẩy, lai dắt tàu cá.

Mặt khác, kiến nghị đầu tư thêm 510 triệu đồng để mua 1 máy bơm chữa cháy di động đặt trên ca-nô tuần tra; 1 máy bơm chữa cháy thả nổi để đặt trên tàu lai dắt để chữa cháy; 1 lăng đa tác dụng và 1 lăng phun di động; 6 cuộn vòi chữa cháy... Công an thành phố cũng có văn bản đề xuất bố trí gần 57 tỷ đồng mua sắm 1 tàu chữa cháy công nghệ cao, phun bọt bằng khí nén (CAFS) với trị giá 55 tỷ đồng, 4 máy bơm chữa cháy thả nổi, 2 máy bơm chữa cháy di động, 2 lăng phun bọt tầm xa...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban thông tin, đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND thành phố để trình Ban cán sự Đảng UBND thành phố và Thường trực Thành ủy xem xét về các đề xuất đầu tư các phương tiện, trang thiết bị nói trên cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Công an thành phố. Sau khi được thống nhất sẽ giao cho từng đơn vị lập phương án mua sắm, quản lý và sử dụng theo quy định...

Trước mắt, sở đã tiến hành rà soát trang thiết bị, công tác PCCC tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Hiện các trang thiết bị PCCC đã được đầu tư tại đây bảo đảm sẵn sàng phục vụ chữa cháy. Khi có cháy xảy ra, lực lượng chữa cháy tại cơ sở (Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang) sẽ thực hiện các biện pháp chữa cháy ban đầu như: sử dụng máy bơm khiêng tay đặt tại bờ kè của âu thuyền, triển khai đội hình 2 lăng phun nước dập tắt, làm mát đám cháy và một bộ phận sử dụng bình chữa cháy xách tay phun vào đám cháy; đồng thời, phối hợp di chuyển các tàu cá đang neo đậu gần khu vực cháy đến nơi an toàn...

Còn đối với công tác PCCC rừng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Viết Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư 4 máy thổi gió cầm tay, 4 máy thổi gió mang vai, 4 máy cưa xăng cầm tay, 2 máy bơm nước và phụ kiện, 23 xe máy... Bên cạnh đó, đã đầu tư xây dựng 25km đường băng trắng cản lửa kết hợp đường vận động chữa cháy rừng, 6,7km đường băng xanh cản lửa, xây mới và nâng cấp 13 bể nước và 6 hệ thống thủy lâm...

Thời gian đến, thành phố cần ưu tiên, tăng cường nâng cao năng lực, cơ sở vật chất theo dõi, giám sát tài nguyên rừng và trang thiết bị PCCC rừng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn đề nghị thành phố hỗ trợ cho huyện 20 máy thổi gió, 100 bộ quần áo bảo hộ, các công trình đường băng cản lửa... để phục vụ công tác PCCC rừng trên địa bàn huyện.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.