Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 với 4 phường: Trường hợp nào được ra khỏi nhà?

.

ĐNO - Một số bạn đọc thắc mắc về việc Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn 4 phường thuộc 3 quận kể từ 0 giờ ngày 17-7 cho tới khi có thông báo mới thì những trường hợp nào được phép ra khỏi nhà. 

231
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xung quanh khu vực tuyến đường Hoàng Tăng Bí (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo kết luận Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp ngày 16-7, kể từ 0 giờ ngày 17-7, Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 tại 4 phường trên địa bàn thành phố gồm: phường Thạc Gián, An Khê (quận Thanh Khê), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Chiều 16-7, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố vẫn áp dụng quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chung đối với 4 phường của 3 quận theo Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố.

“Việc áp dụng riêng hay không thì hiện thành phố đang tiếp tục họp để nghe UBND các phường báo cáo tình hình thực tế rồi sẽ xem xét, có chỉ đạo thêm”, ông Nam cho biết thêm.

Chỉ thị 16 quy định: Áp dụng cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi trường học, công sở và nơi công cộng; thực hiện nghiêm giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc; tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ kinh doanh trên địa bàn, trừ dịch vụ thiết yếu; hạn chế ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống phải dừng hoạt động.

Phân biệt sự khác nhau cơ bản của các Chỉ thị giãn cách xã hội. Đồ họa: BÁO ĐÀ NẴNG
Phân biệt sự khác nhau cơ bản của các Chỉ thị giãn cách xã hội. Đồ họa: BÁO ĐÀ NẴNG

Khi nào người dân được ra ngoài?

Chỉ thị 16 yêu cầu mọi người dân ở trong nhà. Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ... Cán bộ, công nhân, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao...

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Xe chở hàng hóa được hoạt động

Xe không chở người vẫn được hoạt động - tức là vận chuyển hàng hóa bằng xe ôm, xe công nghệ vẫn hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra, các cửa hàng tạp hóa kinh doanh dịch vụ thiết yếu, hiệu thuốc được duy trì hoạt động.

Xe chở khách bị dừng

Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ô-tô; dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng mô-tô. Dừng di chuyển từ vùng dịch đến các địa phương khác; trừ những trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp.

Cơ sở thiết yếu, ngân hàng... vẫn hoạt động

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.