Nhân rộng mô hình "3 tại chỗ" trong khu công nghiệp

.

Hiện nay, tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn quốc, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt, dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi tắt là KCN), tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện quyết liệt hơn giải pháp phòng, chống Covid-19 tại các KCN, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng tại các doanh nghiệp (DN).

Khi dịch bùng phát tại tỉnh Bắc Giang, địa phương này từng phải dừng hoạt động 4 KCN và chịu thiệt hại về giá trị sản xuất công nghiệp hơn 2.000 tỷ đồng/ngày, chưa kể 140.000 lao động phải nghỉ việc. Từ thực tế này, trong tháng 5-2021, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch; tránh đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu, gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh trong các KCN, nhất là đối với các DN tham gia chuỗi toàn cầu. Những ngày qua, Covid-19 tiếp tục tấn công các KCN các tỉnh, thành phố phía Nam khiến cho công tác phòng, chống dịch trong các KCN cấp bách hơn bao giờ hết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14-7-2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất ban hành Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM hướng dẫn, khuyến nghị các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm các điều kiện an toàn.

Theo đó, các DN chỉ được hoạt động với điều kiện nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp dưới 30%; cam kết thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch; không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế. Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình DN hoạt động.

DN được khuyến nghị thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ , ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp bảo đảm an toàn; bảo đảm điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định; bảo đảm chất lượng bữa ăn, sức khỏe và thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động theo quy định và chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại DN.

Tại thành phố Đà Nẵng, trong các đợt bùng phát Covid-19 vừa qua, chưa có KCN nào phải tạm dừng hoạt động. Điều này chứng tỏ công tác phòng, chống dịch toàn thành phố nói chung và trong các KCN luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao theo mức độ diễn biến phức tạp của dịch. Nhiều DN đã chủ động đầu tư cải tạo cơ sở vật chất để tạo, giữ khoảng cách an toàn cho công nhân khi sản xuất, chia ca làm việc và ăn giữa ca tránh tập trung quá đông người cùng thời điểm. Nhiều DN đã lắp vách ngăn giọt bắn tại các bàn ăn để hạn chế tiếp xúc.

Gần đây, một số DN tiếp tục triển khai “3 tại chỗ” khi trong DN có ca mắc hoặc liên quan đến Covid-19 để bảo đảm không gián đoạn sản xuất. Tại các địa bàn tập trung đông khu nhà trọ công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp các phường duy trì hiệu quả hoạt động mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động và cộng đồng. Những biện pháp này góp phần đưa tình hình thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có nhiều khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2021.

Có thể thấy mô hình “3 tại chỗ” đã từng bước quản lý, kiểm soát hoạt động của người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe của người lao động, tránh lây lan dịch giữa cộng đồng dân cư và người lao động. Nếu phát sinh ca dương tính SARS-CoV-2 trong DN, việc khoanh vùng, xử lý cũng dễ dàng và thuận lợi hơn.

Đà Nẵng chưa bắt buộc áp dụng “3 tại chỗ” cho tất cả DN trong KCN như đã có địa phương áp dụng. Song, diễn biến Covid-19 khá phức tạp như hiện nay, nhất là trong KCN Hòa Khánh vừa phát sinh những ca dương tính SARS-CoV-2, đã đến lúc cần nhanh chóng nhân rộng mô hình “3 tại chỗ” đối với cả DN chưa có trường hợp nào dương tính SARS-CoV-2.

Trước mắt, cần khuyến nghị các DN có đủ điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất bố trí nhà tạm, phòng ở dã chiến thực hiện “3 tại chỗ”. Đối với DN chưa có điều kiện về mặt bằng cần được quan tâm bố trí nơi ở tập trung được quản lý tạm thời tách khỏi tiếp xúc với cộng đồng dân cư; bố trí phương tiện đưa, đón công nhân đến nơi làm việc và về nơi ở hằng ngày.

Áp dụng “3 tại chỗ” làm phát sinh thêm chi phí cho DN nhưng cũng chính là đầu tư chính đáng. Bảo vệ an toàn cho người lao động chính là bảo đảm duy trì sự phát triển của DN trong bối cảnh hiện nay. “3 tại chỗ” cũng cần sự chung tay hợp tác của người lao động bởi môi trường, tiện nghi sinh hoạt, giao tiếp xã hội... sẽ hạn chế hơn so với bình thường khi Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn và bị đẩy lùi.

Rõ ràng, KCN trong cả nước nói chung cũng như các KCN của thành phố nói riêng đang là “thành trì” cần được bảo vệ an toàn. Thành phố đã triển khai công tác xây dựng mỗi khu dân cư như một “pháo đài” chống dịch, nay công tác phòng, chống Covid-19 trong KCN của thành phố cần phải nâng cấp độ lên cao hơn để mỗi nhà máy, mỗi DN là một “pháo đài”, cùng góp phần bảo vệ an toàn “thành trì” KCN của thành phố nhằm thực hiện và hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra.

HOÀNG ANH

;
;
.
.
.
.
.