Niềm vui ngày trở về…

.

ĐNO - Trằn trọc, mong ngóng chờ đến hết đêm để được về quê là tâm trạng của không ít người dân Đà Nẵng sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh khi được chính quyền Đà Nẵng hỗ trợ, đưa về địa phương trong hôm nay (21-7).

Chị Nguyễn Thị Thảo xếp vali trước giờ rời Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo chuẩn bị hành lý trước giờ rời Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chủ trương nhân văn

Qua sự kết nối của Hội đồng hương Đà Nẵng và Hội đồng hương các quận, huyện, tôi có dịp trò chuyện với một số người dân trước giờ lên máy bay để trở về Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, tạm trú đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) đêm qua chuẩn bị cho mình 2 vali, trong đó một vali áo quần, một vali lương thực cho hành trình 14 ngày cách ly sau khi trở về Đà Nẵng. Chị Thảo cho biết, suốt đêm trằn trọc, khó ngủ và mong trời sáng để được ra sân bay.

Thời gian trước, buôn bán ế ẩm, chị quyết định gửi 2 con cho bà ngoại rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp bằng việc mở tiệm bán áo quần. Những tưởng làm ăn khấm khá nhưng Covid-19 bất ngờ ập đến, tiệm áo quần phải đóng cửa, hằng ngày chị ở nhà mà nơm nớp lo âu.

Chị cho biết, bản thân không thể làm việc, nằm nhà mà lo cho thành phố, một phần lo cho sức khỏe của mình. Những ngày ở nhà như vậy, chị lại nhớ 2 con nên mong muốn trở về Đà Nẵng, tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đường về nhà khó khăn hơn trước... Niềm vui đến với chị khi hay tin chính quyền thành phố Đà Nẵng có chủ trương phối hợp với Hội đồng hương Đà Nẵng cùng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đưa người dân trở về quê.

Chị liên hệ ngay với hội đồng hương để đăng ký và được hồi đáp ngay. “Đây là một chủ trương nhân văn, kịp thời để giúp người dân Đà Nẵng sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn vì dịch bệnh trở về quê. Hội đồng hương Đà Nẵng, đặc biệt là Hội đồng hương quận Hải Châu thời gian qua đã nhiệt tình thông tin, hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp bà con yên tâm hơn”, chị Thảo tâm sự.

Trong khi đó, chị Trần Ngọc Phương Hà (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, giáo viên THCS tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) suốt đêm qua cũng trằn trọc không ngủ được.

Chị Hà cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị ở lại làm giáo viên cho một Trường THCS trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh. Dịch bùng phát, học sinh nghỉ học, chị lủi thủi trong căn trọ nhỏ. Dịch bao vây, chợ truyền thống hạn chế bán, quán cơm đóng cửa nên những người ở trọ như chị Hà gặp không ít khó khăn. Chị nhiều lần định về quê nhưng lại sợ lây lan dịch cho gia đình, cho thành phố nên nán ở lại.

Chật vật trụ lại nơi “đất khách quê người”, nếu thành phố Đà Nẵng không có chủ trương đón người từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về, chị không biết xoay xở cuộc sống trong thời gian đến như thế nào. "Thời điểm này, người lao động ngoại tỉnh trụ lại Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ ai cũng kiệt quệ khi hằng ngày phải trang trải cuộc sống với chi phí rất đắt đỏ”, chị Hà nói.

Chị Phan Trần Thanh Thảo (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nghề gội đầu dưỡng sinh từ tháng 3-2021. Làm được nửa tháng thì gặp dịch và phải nghỉ dài ngày.

Ban đầu thuê trọ, nhưng nay quá khó khăn, chị trả phòng sang ở nhờ bạn. Không có tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày chị tằn tiện để cầm cự qua ngày. Trước tình hình dịch căng thẳng, chị khá lo lắng cho sức khỏe của mình. “Thảo cảm ơn sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và Hội đồng hương. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, người lao động như Thảo khó gồng gánh nỗi trong gian đoạn khó khăn này”, chị Thảo rưng rưng. 

Hai anh em anh Đặng Công Thiện và chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu) may mắn được về quê trong chuyến bay nghĩa tình lần này.

Anh Thiện cùng chị Trinh và 2 người em nữa (ngụ quận Liên Chiểu) cùng vào Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2020 và ở chung một phòng trọ tại phường Long Thạch Mỹ, quận 9. Hơn 2 tháng nghỉ dịch, dành dụm được bao nhiêu tiền trước đó, anh em nhà anh Thiện phải lấy ra chi tiêu cho cuộc sống.

Anh cũng muốn trụ lại tại Thành phố Hồ Chí Minh để chờ hết dịch tiếp tục công việc nhưng tiền bạc ngày càng cạn kiệt, dịch vẫn phức tạp nên khi có chủ trường đưa người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, anh Thiện và chị Trinh cùng đăng ký về; riêng 2 người em của anh cố gắng bám trụ, mong hết dịch để tiếp tục công việc…

Bảo đảm công tác phòng, chống dịch

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bà con rất háo hức và cảm ơn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Để tạo điều kiện và kết nối với người dân, Hội đồng hương các quận, huyện đã lập các nhóm Zalo để chuyển tải các thông tin về chủ trương, chính sách của thành phố; các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn về thời gian, địa điểm, nội quy khi lên máy bay và khi về thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Đẩu, trong đợt 1 này, có 626 người đăng ký trở về trên 3 chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau khi có cuộc họp với Hội đồng hương Đà Nẵng, địa phương đã thống nhất chủ trương đưa người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, đồng thời giao cho Hội đồng hương Đà Nẵng làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành và UBND thành phố Thủ Đức bảo đảm việc vận chuyển đúng đối tượng, thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng dịch.

Đặc biệt, Hội đồng hương tổ chức ký kết hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe taxi đối với đơn vị vận chuyển và thống nhất danh sách số lượng phương tiện vận chuyển người từ các vị trí, điểm tập kết tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hiện tại, theo quyết định của UBND thành phố, 6 cơ sở lưu trú được dùng làm cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch đối với người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng đã sẵn sàng công tác chuẩn bị để đón người dân, gồm: khách sạn Tre Xanh Trung tâm (158 Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu); khách sạn Tre Xanh bên Cảng (177 Trần Phú, phường Hải Châu I, quận Hải Châu); khách sạn The Code (Lô A2.3 Hoàng Sa, quận Sơn Trà); khách sạn Gemma (183 Võ Văn Kiệt, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà); khách sạn Pandora (21-23 Phan Tôn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn); khu nghỉ dưỡng Risemount Premier (120 Nguyễn Văn Thoại, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.