Xây dựng đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội

.

Ngày 21-7, Quốc hội thông qua các nghị quyết bầu lãnh đạo các cơ quan Quốc hội; thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 2, từ phải sang) và Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.  Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 2, từ phải sang) và Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố

Bầu lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, sáng 21-7, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết bầu ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV giữ chức Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV; ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV; ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV; ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV; ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV. Ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước khóa XIV được bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước khóa XV. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV.

Giám sát 4 chuyên đề

Trong sáng 21-7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị có kịch bản cho việc đi lại, bố trí nhân sự tham gia đoàn, lãnh đạo đoàn giám sát theo hướng danh sách mở, tức là khi khu vực nào có dịch thì phân công đại diện đoàn giám sát ở khu vực đó thực hiện. “Bên cạnh vấn đề thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin, thực hiện 5K thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Do đó tôi đề nghị Quốc hội cần có giám sát về gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2020 là 62.000 tỷ đồng và năm nay là 26.000 tỷ đồng xem các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Cũng quan tâm đến tác động của Covid-19, đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) cho rằng, những vấn đề đưa ra để giám sát chuyên đề năm 2022 và những năm tới cần phản ánh thêm diễn biến rất lớn của đại dịch đối với tình hình đất nước. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ.

“Đề án cần định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở đó, hằng năm, Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định những nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, bảo đảm tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong tình hình phát sinh đột xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát phù hợp hơn”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.  

* Chiều 21-7, tiếp tục chương trình nghị sự, Chủ nhiệm Ủy  ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021.

Dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022): Thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 5 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022): Thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 2 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2). Các vị đại biểu Quốc hội trong ý kiến thảo luận đều thể hiện sự đồng tình, tán thành với nội dung xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm đến luật pháp về hội nhập, bổ sung vào chương trình lập pháp 2022 việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại từ năm 2010 và đã có nhiều lạc hậu; nâng cấp nghị định hòa giải thương mại lên thành luật...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn. Về phòng chống Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang làm hết sức, một số việc cần xử lý trong thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã sẵn sàng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội một số luật liên quan đến phòng, chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

B.T (theo TTXVN - Chinhphu.vn)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích