Xoay xở việc làm thời dịch bệnh

.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, ảnh hưởng của Covid-19, trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, thành phố có đến 191.500 lao động bị mất việc hoặc tạm dừng việc, hơn 40.300 lao động tự do không có việc làm. Sự biến động thị trường lao động lớn chưa từng có tiền lệ này buộc hàng chục ngàn lao động phải xoay trở bằng đủ nghề tay trái để mưu sinh cuộc sống.

Nhiều lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên đã chọn nghề chạy Grab để mưu sinh cuộc sống. Ảnh: T.V
Nhiều lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên đã chọn nghề chạy Grab để mưu sinh cuộc sống. Ảnh: T.V

Tạm thời đổi nghề

Có thâm niên gần 15 năm trong nghề bảo trì máy dệt và nhuộm, với chức vụ trưởng bộ phận kỹ thuật ở một công ty dệt may lớn, thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng, vì vậy cuộc sống của anh L.T.N (khu chung cư số 3, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) khá ổn định. Thế nhưng, Covid-19 ập đến, cuộc sống trở nên vất vả... Thời gian đầu, để chia sẻ khó khăn, anh và đồng nghiệp chỉ nhận 50% lương. Nhưng đến đợt dịch thứ 3, anh phải nghỉ không lương. Giờ đây anh giúp vợ bán quần áo trực tuyến để có thu nhập.

Chị Lê Thị Kim Bình, chủ cửa hàng hoa tươi Khánh Bình trên đường Trần Phú cũng lo lắng khi chia sẻ về công việc hiện tại của mình. Trước đây, chị từng tự tin vì nghĩ Covid-19 không ảnh hưởng đến mình khi cửa hàng hoa của gia đình có lượng khách hàng ổn định. Dù vậy, chỉ sau vài tháng, thu nhập giảm hẳn. Bước sang năm 2021, chị phải đóng cửa vì không có khách. Chị quay về nhà mẹ phụ bán cơm với nhiệm vụ giao hàng cho khách. “Nắng nóng thế này, mình phải chạy xe nhiều nơi nên cực lắm, thu nhập cũng thấp, nhưng bây giờ không làm thì không lo cho gia đình được”, chị Bình than thở.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch thành phố, đến nay, toàn ngành có hơn 45.000 trên tổng số 56.000 lao động trong ngành mất việc làm. Để mưu sinh qua ngày, những nhân viên dịch vụ du lịch phải xoay xở từ chạy Grab, làm shipper, bán hàng qua mạng... đến lao động phổ thông như phụ hồ, khuân vác... nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.

Là người có trên 5 năm kinh nghiệm cộng tác với các công ty du lịch, chuyên hướng dẫn cho các đoàn khách sử dụng tiếng Anh và Pháp, thế nhưng khi thất nghiệp, chuyển sang nghề gia sư tiếng Anh, chị Nguyễn Thị Trâm (ở tổ 29, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) không tìm được học viên. Bởi hiện nay, các phần mềm học tiếng Anh phát triển, hơn nữa nhiều phụ huynh cũng từ chối chị. “Mình làm hướng dẫn viên cho cả trăm đoàn khách châu Âu, ai cũng khen phát âm chuẩn, dễ nghe. Vậy mà phụ huynh đánh giá không đúng khiến mình rất buồn. Mong rằng, dịch sớm qua để mình quay trở lại với nghề cũ”, chị Trâm tâm sự.

Mong sớm nhận được sự hỗ trợ của thành phố

Ông Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc khu du lịch sinh thái Suối Hoa, sốt ruột khi nói về tình hình hoạt động tại đơn vị mình: “Dịch bệnh  kéo dài gần hai năm nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, tình hình dịch tạm ổn, chúng tôi chuẩn bị rất nhiều để đón khách, nhưng ngay thời điểm đó thì dịch tái bùng phát. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và thành phố”.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố, tình hình hoạt động của ngành gần như đóng băng. Hơn 90% lao động trong ngành mất việc hoặc tạm nghỉ việc không lương, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc UBND thành phố đồng ý chủ trương cho phép người lao động ngành du lịch được vay vốn ưu đãi qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Đà Nẵng với lãi suất 7,92%/năm là thông tin được nhiều người kỳ vọng. Đến nay, có khoảng 2.000 người đăng ký vay vốn từ kênh này. Mong rằng chủ trương sớm được triển khai để người lao động bớt khó khăn.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Sở LĐ-TB&XH, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo ngành bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, sớm tham mưu cho UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhanh, thủ tục đơn giản cho người lao động nói chung và trên lĩnh vực dịch vụ du lịch nói riêng.

Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, thời gian đến, ngành ưu tiên tập trung đẩy nhanh việc rà soát các thủ tục, quy định của Chính phủ, thành phố về việc hỗ trợ đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, chú trọng đến nhóm người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Song song đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm định kỳ và di động cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, chú trọng công tác mở rộng, kết nối các sàn giao dịch việc làm của thành phố với các tỉnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên để tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.