Phát huy vai trò tổ công nhân tự quản ở khu dân cư

.

Qua hơn 10 năm hoạt động, mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trên địa bàn thành phố đã trở thành ngôi nhà chung của công nhân lao động (CNLĐ) ngoại tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên Tổ công nhân tự quản là trợ thủ đắc lực trong việc tuyên truyền, vận động CNLĐ xây dựng phòng tuyến chống dịch tại khu dân cư.

Ông Nguyễn Thanh Dũng (bìa trái), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) nhắc nhở từng công nhân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ông Nguyễn Thanh Dũng (bìa trái), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) nhắc nhở từng công nhân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Xây dựng phòng tuyến vững chắc

Những ngày này, cứ đến cuối giờ chiều khi công nhân đi làm về, ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) lại đến từng khu nhà trọ để nhắc nhở công nhân đang ở trọ tại đây. Đi cùng ông Dũng còn có thành viên của tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng khu dân cư. Ông Dũng phát tờ rơi về quy định 5K, phổ biến quy định phòng, chống dịch mới của thành phố và vận động công nhân tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn tại nơi ở, khi đi làm và đi ra ngoài.

Hiểu được tâm lý công nhân ngoại tỉnh xa nhà muốn gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè vào dịp cuối tuần, ông Dũng thường xuyên nhắc nhở mọi người không tập trung đông người, không đến các vùng có dịch; kịp thời báo cáo với Tổ công nhân tự quản khi có người thân từ nơi khác đến để thực hiện khai báo y tế, bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người.

Theo ông Dũng, quận Liên Chiểu là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông CNLĐ ngoại tỉnh sinh sống. Để làm tốt công tác quản lý, mỗi thành viên Ban điều hành và các chủ trọ luôn nêu cao trách nhiệm, sâu sát, quan tâm đến người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc siết chặt quản lý tại các khu nhà trọ rất cần thiết.

Tương tự, bà Vũ Thị Nhu, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 2 (phường Hòa Khánh Bắc) cũng thường xuyên có mặt ở các dãy nhà trọ thuộc tổ mình quản lý để nhắc nhở công nhân không tụ tập đông người sau giờ làm việc, đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên…

“Ở nơi làm việc, các cháu được Công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp nhắc nhở. Khi về nhà trọ, các thành viên trong Ban điều hành Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tuân thủ phòng, chống dịch, góp phần xây dựng phòng tuyến chống dịch vững chắc tại khu dân cư”, bà Nhu chia sẻ.

Cánh tay nối dài của tổ chức Công đoàn

Bà Trần Thị Tin, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 45 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đang quản lý hơn 110 phòng trọ của 21 hộ dân. CNLĐ tạm trú tại đây phần lớn là người đồng bào Cơ tu (thuộc tỉnh Quảng Nam), đồng bào Pa Cô (thuộc tỉnh Quảng Trị). Theo bà Tin, hầu hết CNLĐ đến sinh sống và làm công việc thời vụ, thu nhập không ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều người vừa đến lại gặp dịch bệnh, không tìm được việc làm, cuộc sống nhiều khó khăn. “Chúng tôi thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên CNLĐ xa quê; đồng thời báo cáo lên Công đoàn cấp trên những trường hợp đau ốm, khó khăn đột xuất để được hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động yên tâm sinh sống, làm việc”, bà Tin nói.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, toàn thành phố hiện có 52 Tổ công nhân tự quản với hơn 8.300 CNLĐ, cư trú trong hơn 4.400 phòng trọ. Các tổ tập trung tại các địa phương có đông CNLĐ, như: quận Sơn Trà 4 tổ, quận Cẩm Lệ 19 tổ, quận Liên Chiểu 26 tổ và huyện Hòa Vang 3 tổ.

Thời gian qua, các Ban điều hành tổ công nhân tự quản được ví như cánh tay nối dài của tổ chức Công đoàn, luôn đồng hành cùng LĐLĐ thành phố trong mọi hoạt động. Theo đó, các ban điều hành luôn kề cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng đoàn viên, người lao động để đề xuất Công đoàn cấp trên hỗ trợ. Từ những đề xuất của các ban điều hành, LĐLĐ thành phố đã kịp thời nắm bắt thông tin, thăm hỏi những trường hợp khó khăn, đau ốm đột xuất; thăm nữ công nhân đơn thân, các cháu con CNLĐ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…

Bên cạnh đó, các ban điều hành còn vận động CNLĐ tham gia bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở khu dân cư; vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ, tiền điện, nước cho CNLĐ. Trong giai đoạn Covid-19 phức tạp, các tổ công nhân tự quản đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ tuân thủ phòng, chống dịch.

Nhờ làm tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ CNLĐ, các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ được ví như ngôi nhà chung, giúp gắn kết CNLĐ ngoại tỉnh. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền phòng, chống dịch giúp CNLĐ nâng cao ý thức, tự giác bảo vệ an toàn cho bản thân, góp phần cùng doanh nghiệp giữ vững chuỗi sản xuất an toàn, thực hiện tốt mục tiêu kép của thành phố.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.