Chính trị - Xã hội

Chuẩn bị ứng phó phòng, chống bão và dịch bệnh với cấp độ cao nhất

21:18, 10/09/2021 (GMT+7)

ĐNO - Bão số 5 là một cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cần xây dựng phương án ứng phó với nhận định bão đi thẳng vào Đà Nẵng, phải chuẩn bị với cấp độ cao nhất để khi có tình huống xấu xảy ra ứng phó kịp thời.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 và ứng phó với bão số 5 trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 vào chiều 10-9. 

 Video: HOÀNG HIỆP 

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng điều hành cuộc họp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, lần này thành phố chống bão khác với những lần trước và chưa từng có tiền lệ, bởi vừa phải chống bão vừa phòng, chống Covid-19. Đây là một việc rất khó, mặc dù đã có kinh nghiệm chống bão nhưng các đơn vị, địa phương không được chủ quan và không để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình chống bão.

Do đó, các sở, ban, ngành và địa phương phải chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bão, trong đó việc tổ chức lực lượng và sơ tán dân đến nơi an toàn là vấn đề lớn. Các địa phương phải có phương án sơ tán dân, bố trí nhiều địa điểm. Khi sơ tán thực hiện như phương án giãn dân ở các “vùng đỏ” trong thời gian qua với nguyên tắc mỗi hộ gia đình ở 1 phòng, tránh bố trí nhiều hộ gia đình vào 1 phòng.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tập trung chống ngập úng cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở huyện Hòa Vang bởi tác động từ hoàn lưu bão.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương lưu ý công tác phòng, chống bão ở các công trình trọng điểm, khu vực xung yếu, nhất là công trình dự án Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, Nhà máy nước Hòa Liên, Khu cách ly y tế tập trung, Bệnh viện dã chiến ở Khu ký túc xá phía tây thành phố...

Sở Công thương phải có phương án cụ thể về việc tích trữ và cung ứng lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian chống bão.

UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó bão ở các cơ sở, xã, phường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc bố trí sơ tán dân trú bão.

“Đối với khu vực âu thuyền Thọ Quang, phải tiếp nhận các tàu cá ngoại tỉnh vào trú bão để bảo đảm an toàn của ngư dân lên trên hết. Nên các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án đón ngư dân vào trú bão, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy cho các tàu thuyền đang neo đậu trú bão ở âu thuyền”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo. 

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, quan điểm phòng, chống bão của thành phố trước hết là bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ tài sản, công trình, và chủ động triển khai ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; sớm khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.

“Mỗi xã, phường cần thành lập các đội xung kích, các đội cơ động hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, thiếu người, đi cách ly y tế tập trung để chống bão. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân đi lại để phòng, chống lụt bão; mở lại các cửa hàng điện, nước, sắt, thép, bao, vật tư ...

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo đến 16 giờ ngày 11-9, vị trí tâm bão Côn Sơn ở cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 200km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Bão di chuyển chậm theo hướng tây với tốc độ 5km/giờ. Đến 16 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị - Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12.

Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10km/giờ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền. Đến 16 giờ ngày 13-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Từ đêm 10-9 đến 13-9, ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến từ 200-300mm, có nơi hơn 350mm; ở Quảng Nam và Quảng Ngãi phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 200mm.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó, người dân cần lưu ý thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; giữ liên lạc giữa tàu thuyền và đất liền và đưa tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn.

Bảo vệ lồng, bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây.

Xác định vị trí an toàn để trú ẩn, chủ động sơ tán khỏi các nhà không bảo đảm an toàn hoặc vùng ven biển, cửa sông để phòng nước dâng; đề phòng mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất trước, trong và sau bão.

Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng ít nhất trong 7 ngày; tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống Covid-19; chấp hành sự chỉ đạo của cán bộ, chính quyền địa phương.

HOÀNG HIỆP

.