Khẩn trương ứng phó bão Côn Sơn đổi hướng di chuyển

.

ĐNO - Với dự báo đến 10 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão số 5 (Côn Sơn) cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 160km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13, ngay trong sáng 10-9, các địa phương và nhiều ngư dân đã chủ động triển khai công tác ứng phó.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Chiều 10-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, trưa cùng ngày, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 10km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 11-9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía tây quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Bão di chuyển chậm theo hướng tây với tốc độ 5km/giờ. Đến 10 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 160km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 5-10km/giờ. Đến 10 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất giảm còn cấp 9-10, giật cấp 12; rồi đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc với cường độ gió giảm xuống cấp 7-8, tốc độ khoảng 10km/giờ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. 

Ngư dân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thuê xe cẩu để đưa thuyền đánh cá lên khu dân cư trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngư dân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thuê xe cẩu đưa thuyền đánh cá lên khu dân cư trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ đêm 10-9, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Từ đêm 10-9 đến 13-9, ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến từ 200-300mm, có nơi hơn 350mm/đợt, ở Quảng Nam và Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 200mm.

Để ứng phó với diễn biến của bão Côn Sơn trong bối cảnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố thông báo về việc thành phố đang đóng cửa âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nên các chủ tàu cá ngoại tỉnh tìm nơi neo đậu phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương phối hợp với Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đưa ngư dân đã xét nghiệm ở trong khu vực này kể từ ngày 26-7 đến nay về địa phương tiếp tục theo dõi, bảo đảm an toàn cho ngư dân trong phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.

Một tàu cá khẩn trương cập cảng cá Thọ Quang để bốc dỡ hải sản và trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một tàu cá khẩn trương cập cảng cá Thọ Quang để bốc dỡ hải sản và trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn khi trú, tránh bão ở khu vực âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu...

UBND quận Sơn Trà đã giao UBND các phường cấp giấy đi đường QRCode, tạo điều kiện cho những người thực hiện công tác phòng chống bão; vận động, tuyên truyền người dân khơi thông cửa thu nước mưa trước nhà và các tuyến cống thoát nước sau nhà.

Đề nghị các khách sạn, khu chung cư có tầng hầm để xe khẩn trương có phương án ngăn không để nước mưa tràn vào tầng hầm, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm để vận hành khi cần thiết và triển khai phương án đậu đỗ xe an toàn tại vị trí không bị ngập nước, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại nếu có xảy ra ngập úng.

Ngư dân tranh thủ che chắn kín ca-bin thuyền đánh cá để trnahs hư hỏng do gió bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngư dân tranh thủ che chắn kín ca-bin thuyền đánh cá để tránh hư hỏng do gió bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP

UBND các phường, Công ty Công viên - Cây xanh, chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án khẩn trương thực hiện kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn, chống ngã đổ, gãy cành cây tại các khu vực, tuyến ưu tiên.

Đội Kiểm tra quy tắc đô thị chủ trì, phối hợp với UBND các phường, các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án và các đơn vị thi công trên địa bàn quận khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao bảo đảm an toàn trước gió, bão...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích