Làm gì để chống ngập trong mùa mưa sắp đến?

.

Mưa lớn trong hai ngày 11 và 12-9 khiến nhiều tuyến đường, khu vực dân cư trên địa bàn thành phố bị ngập úng. Cần nhiều giải pháp đồng bộ để chống ngập úng trong mùa mưa sắp đến, được dự báo rất phức tạp và kéo dài.

Mưa lớn trong 2 ngày 11, 12-9, một số tuyến đường Hàm Nghi, Phan Thanh, Tản Đà, Quang Dũng... tiếp giáp với khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) có mực nước ngập đến gần nửa bánh xe máy. (Ảnh chụp ngày 12-9)Ảnh: XUÂN SƠN
Mưa lớn trong 2 ngày 11, 12-9, một số tuyến đường Hàm Nghi, Phan Thanh, Tản Đà, Quang Dũng... tiếp giáp với khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) có mực nước ngập đến gần nửa bánh xe máy. (Ảnh chụp ngày 12-9). Ảnh: XUÂN SƠN

Ngập úng nhiều nơi 

Trưa 12-9, khi trên địa bàn thành phố đang mưa to thì trạm bơm chống ngập Thuận Phước gặp sự cố nên nước dâng lên gây ngập sâu ở nhiều đoạn, tuyến đường ở quận Hải Châu như: Hải Hồ, Đống Đa, Lý Tự Trọng... do trạm bơm chống ngập Thuận Phước bị sự cố. Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, một trong hai máy bơm của trạm bơm chống ngập Thuận Phước bị sự cố, chỉ vận hành một máy và thủy triều dâng cao nên nước thoát chậm ra sông Hàn.

Trong ngày 13-9, đơn vị đã khẩn trương cẩu máy bơm lên sửa chữa, duy tu... nhằm bảo đảm vận hành chống ngập úng trong những trận mưa lớn sắp đến. Ngoài ra, đơn vị cũng đã mở sớm các cửa phai của 3 hồ: Công viên 29-3, Thạc Gián, Vĩnh Trung, để hạ thấp mực nước của cả 3 hồ này trước khi mưa lớn và vận hành liên hồ để tăng khả năng thoát nước, giảm ngập úng cho khu vực xung quanh.

Song do mưa rất to nên dung tích trống của cả 3 hồ đều không còn khả năng điều tiết và gặp triều cường cao làm hạn chế khả năng tự thoát ra biển, gây ngập các tuyến đường Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Văn Cao, Tản Đà... Về lâu dài, thành phố đã có chủ trương đầu tư trạm bơm chống ngập ở cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm, khi hoàn thành đầu tư trạm bơm này sẽ bơm cưỡng bức cho nước thoát ra biển, khả năng chống ngập sẽ tốt hơn, nhất là khi thủy triều cao.

Theo UBND quận Thanh Khê, bên cạnh các tuyến đường, khu vực xung quạnh bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, trên địa bàn quận có nhiều điểm bị ngập nước cục bộ, nhất là các tuyến đường, khu vực bị trũng thấp như: Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Xuân Lê, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám; đoạn cống liên phường K251 Thái Thị Bôi; tổ 24 và 26 phường Xuân Hà... Đặc biệt, tình trạng ngập cục bộ tại các tổ 1, 2, 3, 4, 5 và tổ 16, 17, 20, 26, 27 thuộc phường Thanh Khê Tây với độ sâu từ 0,5-1,3m, nhất là khu vực hai bên tuyến mương Khe Cạn. Khu vực này hiện đang được triển khai giải tỏa để thi công tuyến cống Khe Cạn phục vụ chống ngập úng và đang chờ chỉnh trang các khu vực dân cư lân cận.

Theo UBND quận Liên Chiểu, trong hai ngày 11 và 12-9, trên địa bàn quận có 18 điểm ngập, chủ yếu là ngập cục bộ trong các khu dân cư với độ sâu trung bình từ 0,4-0,6m. Các phường đã tổ chức khơi thông nên nước rút nhanh, sau khi dừng mưa từ 2-3 giờ, cơ bản nước rút hết và trở lại trạng thái bình thường nên thiệt hại không đáng kể. Trong 18 điểm ngập nói trên, nhiều điểm đã có các công trình, dự án xử lý ngập úng nhưng chưa hoàn thành như khu vực tổ 81 thuộc khu dân cư Hồng Phước và phía trước Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc).

Tại huyện Hòa Vang, có nhiều khu vực thuộc 6 xã bị ngập, trong đó, một số khu vực của thôn Thạch Nham Tây, Phú Hòa 1, Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn) bị ngập do ảnh hưởng của tuyến đường ĐH2; thôn Trung Sơn, tổ 4 thôn Quan Nam 2, tổ 4 thôn Quan Nam 1 (xã Hòa Liên) bị ngập úng do ảnh hưởng của các dự án xây dựng. Còn lại là ngập úng cục bộ như: tổ 9 thôn Miếu Đông (xã Hòa Phước); tổ 6 và tổ 8 thôn Đông Hòa (xã Hòa Châu); tổ 5 của thôn Túy Loan Tây, tổ 6 của thôn Túy Loan Đông (xã Hòa Phong); các thôn Nam Yên, An Định, Phò Nam, Lộc Mỹ và Nam Mỹ (xã Hòa Bắc)... Đến nay, các xã đã tiến hành khơi thông để nước thoát nhanh và giảm mức độ ngập úng.

Nước ngập các nhà dân ở lân cận mương Khe Cạn thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. (Ảnh chụp chiều 12-9) 							    Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nước ngập các nhà dân ở lân cận mương Khe Cạn thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. (Ảnh chụp chiều 12-9). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ động khơi thông thoát nước

Theo phản ánh của người dân, ở khu vực tuyến đường Cù Chính Lan, Nguyễn Đình Tựu, An Xuân 1, An Xuân 2 (quận Thanh Khê) cũng bị ngập sâu do tiếp nhận trữ lượng nước lớn từ sân bay Đà Nẵng chảy ra theo tuyến kênh Phần Lăng. Ông Huỳnh Tấn (người dân ở đường Cù Chính Lan) bức xúc nói: “Năm nào khu vực này cũng bị ngập sâu do trữ lượng nước lớn từ sân bay Đà Nẵng chảy ra bị ùn ứ, hạn chế khả năng thoát qua hồ Bàu Trảng vì khẩu độ cống qua tuyến đường Điện Biên Phủ quá nhỏ và có cả các tuyến đường ống cắt qua cống làm cản trở thoát nước. Chúng tôi cũng thấy có lực lượng chức năng túc trực, khơi thông bèo, rác mắc lại ở cầu qua tuyến kênh Phần Lăng để khơi thông thoát nước nhưng cũng chỉ giải quyết một phần. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có giải pháp xử lý dứt điểm”.

Một số tuyến đường, khu vực dân cư hai bên cống dọc hai tuyến đường Yên Thế - Bắc Sơn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng bị ngập nước do khẩu độ cống qua tuyến đường Tôn Đức Thắng quá nhỏ và có các tuyến đường ống cắt qua cống. “Mực nước ở cống dọc theo hai tuyến đường Yên Thế - Bắc Sơn rất cao nhưng phía hạ lưu thì thấp do chảy qua cống của tuyến đường Tôn Đức Thắng có khẩu độ hẹp, có thể là do tuyến ống cắt qua cống làm cản trở thoát nước. Đề nghị thành phố xem xét vấn đề này”, ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết.

Cũng trong đợt ngập úng diện rộng vừa qua, vùng rau La Hương bị ngập nặng không phải vì lũ về hay nước sông Cẩm Lệ dâng cao mà là do trữ lượng nước lớn từ tuyến kênh Phong Bắc chảy ra không tự thoát ra sông Cẩm Lệ được như bình thường mà chảy tràn qua vùng rau để thoát ra sông. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường Trần Văn Hoàng bày tỏ: “Một phần nước từ kênh Phong Bắc chảy ra mang theo nhiều bèo, rác gây cản trở dòng chảy làm nước tràn qua vùng rau La Hường để thoát ra sông. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý bèo, rác trên tuyến kênh này và khu vực lân cận để bảo đảm thoát nước, bảo vệ an toàn vùng rau”.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà thông tin, ngoài các tuyến đường, khu vực bị ngập do chưa triển khai thi công hoàn thành các dự án liên quan, qua rà soát vẫn còn tình trạng đọng nước cục bộ trên các tuyến đường do người dân bịt cửa thu nước hoặc do rác mắc kẹt ở hệ thống thoát nước. Nhằm bảo đảm thoát nước trong thời gian tới, vào ngày 14-9, Sở Xây dựng có công văn đề nghị UBND quận, huyện phối hợp và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiến hành rà soát, tiếp tục triển khai công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố.

Đối với các khu vực ngập úng lớn, vượt quá thẩm quyền mà thành phố chưa có phương án xử lý, đề xuất sơ bộ phương án xử lý và khái toán kinh phí đầu tư, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, phối hợp vớt rác, khơi thông cửa thu nước trước và trong lúc mưa để bảo đảm thoát nước mặt đường, tránh tái diễn tình trạng đọng nước, gây ngập úng cục bộ trên các tuyến đường, tại các khu dân cư.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.