Quyết liệt phòng, chống dịch

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Đặng Ngọc Nhân, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu cho biết, bên cạnh lực lượng công an, quân đội, nhân viên y tế, cán bộ công chức quận, phường, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng đoàn viên thanh niên, công tác chống dịch tại quận còn có sự tham gia của đội ngũ giáo viên, cán bộ hưu trí, nhất là y, bác sĩ nghỉ hưu ở các khu dân cư. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tự nguyện trả lương cho nhân viên tham gia phòng, chống dịch.

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Trần Phước Sơn (thứ hai, từ trái sang) - hiện là Phó Chủ tịch UBND thành phố thăm, động viên và tặng quà các chốt phòng dịch trên địa bàn. (Ảnh chụp tháng 8-2021)Ảnh: T.Y
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Trần Phước Sơn (thứ hai, từ trái sang) - hiện là Phó Chủ tịch UBND thành phố thăm, động viên và tặng quà các chốt phòng dịch trên địa bàn. (Ảnh chụp tháng 8-2021). Ảnh: T.Y

* Thưa ông, thời gian qua, Quận ủy Liên Chiểu huy động hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống Covid-19, ông có thể nói rõ hơn về các biện pháp đã triển khai và hiệu quả?

- Một trong những biện pháp linh hoạt, sáng tạo mà Quận ủy Liên Chiểu triển khai thời gian qua là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống Covid-19. Cụ thể, ngoài lực lượng công an, quân đội, nhân viên y tế, cán bộ, viên chức quận, phường, thành viên tổ Covid cộng đồng, lực lượng đoàn viên thanh niên, chúng tôi huy động thêm đội ngũ giáo viên, cán bộ hưu trí, kể cả y, bác sĩ hoặc lực lượng công an đã nghỉ hưu.

Để có sự thống nhất từ trên xuống, Ban Thường vụ Quận ủy đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, mới nhất là Kế hoạch số 36-KH/QU ngày 30-7-2021 của Quận ủy Liên Chiểu về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố, phân công nhiệm vụ cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn phường; thành lập tổ giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn quận do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy làm tổ trưởng; linh hoạt áp dụng phương án “Phong tỏa mềm - biện pháp cứng”; đồng thời, chủ động triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay khi phát hiện mỗi ca F0 trên địa bàn, Thường trực Quận ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quận trực tiếp chỉ đạo truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly mềm và cách ly tập trung ngay các trường hợp F1, F2.

Quận ủy cũng phát động phong trào “Khu dân cư an toàn, không phát sinh ca nhiễm Covid-19”, thiết lập đường dây nóng ở các phường để người dân thuận tiện liên hệ vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch. Với phương châm “Không để xảy ra trường hợp người dân thiếu ăn, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu do ảnh hưởng dịch bệnh”, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình, đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ.

Ngoài các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố về hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021, quận Liên Chiểu đã chi hơn 2,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ và Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Chưa kể, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban công tác Mặt trận khu dân cư cũng đã kêu gọi, vận động hơn 3,5 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

* Trên cơ sở phối hợp phòng, chống Covid-19 giữa Quận ủy Liên Chiểu với Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu nghiệp Đà Nẵng, ông đánh giá như thế nào về các bước triển khai phòng dịch tại địa phương, nhất là mô hình “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ)?

- Trên cơ sở ký kết giữa Quận ủy và Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đầu năm 2021, quận Liên Chiểu đã chủ động làm việc với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, triển khai công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, hai đơn vị phối hợp tuyên truyền; thành lập các tổ công tác chung để kiểm tra việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; tổ chức xét nghiệm diện rộng nhằm sớm khoanh vùng, truy vết, cắt đứt chuỗi lây nhiễm khi phát sinh điểm nóng, hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, để không xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, lãnh đạo quận và Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thống nhất chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp khảo sát, đánh giá, hướng dẫn một số doanh nghiệp có điều kiện áp dụng mô hình hoạt động “3 tại chỗ”. Nhìn chung, công tác phối hợp giữa 2 đơn vị hiện rất chặt chẽ, chủ động và hiệu quả.

* Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phục hồi, tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn quận. Xin ông cho biết một số giải pháp mà quận Liên Chiểu đã và đang triển khai để tháo gỡ khó khăn này? 

- Trong điều kiện kinh tế, ngân sách bị tác động mạnh do ảnh hưởng Covid-19, việc bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” càng trở nên khó khăn, đòi hỏi từng cấp ủy, chính quyền, từng cơ quan, đơn vị phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Trước mắt, quận sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu Công nghệ và các khu công nghiệp nhân rộng mô hình hoạt động “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp có điều kiện; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện sản xuất bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch; cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh tại một số nơi an toàn. Đồng thời, đề xuất thành phố có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ thiết yếu nhằm sớm bảo đảm khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng.

Song song, quận bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp mới, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Sớm triển khai 8 đề án, chương trình đột phá được xác định tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI. Chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án tạo động lực, trọng điểm trên địa bàn quận theo Nghị quyết số 03-NQ/QU ngày 15-3-2021 của Quận ủy Liên Chiểu về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và chủ đầu tư, tập trung giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Mặt khác, quận Liên Chiểu cũng chủ động thúc đẩy triển khai một số dự án tạo động lực đã có chủ trương nhưng chậm triển khai trong thực tế, trong đó điểm nhấn là tái khởi động dự án Làng Vân, đồng thời kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai một số dự án mới, tiềm năng.

* Xin cảm ơn ông.

TIỂU YẾN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.